Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3: Cộng đồng đoàn kết, quyết tâm hướng tới một thế giới không còn bệnh lao.
Ngày 24/3/1882, nhà bác học người Đức Robert Kock công bố tìm ra trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis) khi xét nghiệm đờm của người mắc bệnh phổi. Kỷ niệm 100 năm ngày tìm ra trực khuẩn lao của Robert Kock vào năm 1882, Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội bài lao và Bệnh phổi Quốc tế lấy ngày 24/3 làm Ngày Chống lao Thế giới và trở thành sự kiện sức khỏe quan trọng trên toàn cầu.
Ngày 24/3/1882, nhà bác học người Đức Robert Kock công bố tìm ra trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis) khi xét nghiệm đờm của người mắc bệnh phổi. Kỷ niệm 100 năm ngày tìm ra trực khuẩn lao của Robert Kock vào năm 1882, Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội bài lao và Bệnh phổi Quốc tế lấy ngày 24/3 làm Ngày Chống lao Thế giới và trở thành sự kiện sức khỏe quan trọng trên toàn cầu. Ở Việt Nam, Ngày Chống lao Thế giới 24/3 được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao, nhắc nhở, kêu gọi sự quan tâm của mọi người, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng đoàn kết, quyết tâm loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng.
Gánh nặng bệnh lao lên cuộc sống mỗi người và xã hội:
Bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, rất dễ dàng lây lan ra cộng đồng một cách âm thầm mà không dễ gì phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Người mắc lao không tử vong ngay, bệnh âm thầm diễn tiến, phát hiện muộn và đã lây lan ra cộng đồng xung quanh khi 1 người được xác định bệnh lao. Bệnh nhân tử vong chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Công tác giám sát, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn cắt đứt nguồn lây lan lao ra cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao và giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội. Trong số những người mắc lao thì có khoảng 95% là bệnh nhân lao thường và 5% bệnh nhân lao kháng thuốc. Về chi phí cho chẩn đoán và điều trị bệnh lao: có tới 63% trong số những bệnh nhân lao thường, 98% trong số những bệnh nhân lao kháng thuốc đối mặt với chi phí tốn kém vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình và có tới 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động gây mất sức lao động làm giảm thu nhập, không ai được miễn trừ không mắc lao, nhưng người thu nhập thấp có nguy cơ mắc lao cao hơn 2,5 lần và “đói nghèo” đã khiến họ không đủ điều kiện để tiếp cận việc điều trị chữa lành bệnh lao hoàn toàn. Bệnh lao có tác động đáng kể và bao trùm đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và việc điều trị lành bệnh lao đã có tác dụng tích cực trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh lao và bệnh lao phổi thường gặp:
Lao phổi là bệnh thường gặp trong các loại bệnh lao vì vi khuẩn lao rất ái khí. Triệu chứng bệnh lao phổi rất dễ nhận biết, tuy nhiên người bệnh thường không chú ý phát hiện và dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm sốt, viêm phế quản, suy nhược,…đến khi bệnh diễn biến nặng hoặc uống thuốc không hết bệnh mới đi khám nên chẩn đoán muộn. Người dân cần nắm rõ các triệu chứng sau:
(1) Ho, ho ra máu, khạc đờm: ho trên 2 tuần, dùng thuốc kháng sinh không giảm ho. Ho ra máu cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhưng phải nghĩ ngay đến bệnh lao để đi khám. Khạc đờm cũng như ho có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm, tuy nhiên khạc đờm kéo dài uống kháng sinh không giảm vẫn phải xét nghiệm tầm soát lao.
(2) Gầy, sút cân: Gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân lao phổi.
(3) Sốt, ra mồ hôi: Sốt ở bệnh lao có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc ớn lạnh về chiều, ra nhiều mồ hôi.
(4) Các triệu chứng không đặc hiệu: chán ăn, mệt mỏi, sút cân, cơ thể suy yếu…
Bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe tăng sức đề kháng là điều kiện đủ để chống lao tái phát, phòng lao cho người thân:
Sự kết hợp thuốc điều trị lao với các biện pháp nâng đỡ cơ thể tăng cường sức đề kháng, tăng cường chức năng gan để dung nạp thuốc là điều kiện cần và đủ để đảm bảo hiệu quả điều trị. Thực hiện lối sống lành mạnh như ăn uống hợp lý, ngủ đủ, tập thể dục đều đặn và tránh xa các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá... vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phòng bệnh lao. Đối với người đã nhiễm lao cần thực hiện các biện pháp tránh lây cho người xung quanh như nghỉ làm hoặc nghỉ học và ngủ riêng trong vài tuần đầu điều trị, che miệng, đeo khẩu trang khi giao tiếp. Trẻ dưới 5 tuổi có tiếp xúc nguồn lây cần uống thuốc dự phòng lao, cho trẻ sơ sinh đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng chống lao. Người bệnh lao cần phải tuân thủ nghiêm quá trình trị liệu để tránh tình trạng lao kháng thuốc.
Lao kháng thuốc - cuộc chiến cam go và tốn kém:
Tình trạng lao đa kháng thuốc chủ yếu được xác định là do người bệnh điều trị không đúng, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ; thầy thuốc không đủ thời gian để tư vấn cho bệnh nhân, và chưa hỗ trợ tích cực cho người bệnh, có những bệnh nhân thuốc để tận miệng mà không uống, vì họ nản chí, chán ăn và mệt mỏi, do thuốc lao ảnh hưởng nhiều đến gan, thận.
Phòng chống bệnh lao, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân chính là một trong những tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của lãnh đạo Đảng và Chính quyền, để có thể tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030 theo mục tiêu cơ bản của Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh lao, ngoài việc tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao kiến thức phòng bệnh cho mọi người, cần sự chung tay của cả cộng đồng, tập trung vào các hoạt động phát hiện, phối hợp với các hệ thống y tế công và tư nhân trong công tác phòng chống bệnh lao, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật chẩn đoán mới, chú trọng chất lượng quản lý điều trị, triển khai thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp ở tuyến y tế cơ sở… chủ động phát hiện người mắc lao ở người nhiễm HIV, đối tượng ở các trại giam... Mở rộng quản lý lao kháng đa thuốc, tăng cường công tác sàng lọc lao trẻ, bao gồm cả điều trị bệnh lao và điều trị dự phòng lao./.
BS. Phước Nhường