Phòng ngừa những bệnh thường gặp trong mùa đông xuân
Cuối mùa đông và đầu mùa xuân là giai đoạn gió mùa lạnh, hanh khô là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển, nguy cơ gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa;
Cuối mùa đông và đầu mùa xuân là giai đoạn gió mùa lạnh, hanh khô là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển, nguy cơ gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa; thời điểm này thường diễn ra nhiều lễ hội, mọi người gia tăng tiếp xúc gần nên có nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng cao. Mọi người cần trang bị một số kiến thức cơ bản về dịch bệnh mùa đông xuân như:
Sởi: Bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do virus Polynosa morbillorum gây ra, lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu xảy ra vào mùa đông xuân.
Rubella: Bệnh do virus Rubella gây ra, phát triển mạnh vào cuối mùa đông đầu mùa xuân, lây truyền qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh. Giai đoạn dễ lây nhiễm bệnh là từ 7 ngày trước đến 7 ngày sau khi phát ban đỏ.
Thủy đậu: Mùa đông xuân không khí ẩm, nhất là giai đoạn chuyển từ đông sang xuân khiến cho siêu vi có tên Varicella Zoster Virus gây bệnh thủy đậu phát triển mạnh.
Bệnh cảm cúm: Cảm cúm là dịch bệnh thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa hoặc vào những ngày đông lạnh giá. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, cơ thể chúng ta phản ứng không kịp, sức đề kháng yếu, tạo điều kiện cho vi rút cúm xâm nhập, lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người bị bệnh, cảm cúm nặng thường có triệu chứng như đau đầu, ngạt mũi, sốt, đau họng nhẹ...
Ho gà: là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn ho gà thuộc họ Pavrobacteriaceae gây ra, lây chủ yếu qua đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội và thở rít vào. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu là vào mùa đông xuân, vì thời tiết ẩm ướt, không khí lạnh khiến cho vi khuẩn ho gà sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ em từ 1-6 tuổi, trẻ càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng.
Tiêu chảy: Dịch tiêu chảy là bệnh dịch xuất hiện quanh năm, nhưng thời tiết se lạnh là điều kiện lý tưởng hơn cho các vi khuẩn, kí sinh trùng, vi rút xâm nhâp vào cơ thể và gây bệnh. Trong đó tiêu chảy là một dịch bệnh khá là nguy hiểm trong mùa đông.
Bệnh viêm đường hô hấp: Khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu lạnh đột ngột là thời điểm thích hợp cho các loại vi rút hợp bào phát triển dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng ăn uống. Viêm đường hô hấp thường có biểu hiện như sốt cao, đau họng khi nuốt, nghẹt mũi, đau đầu, lạnh toàn thân, tiêu chảy nhẹ…
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh:
- Chủ động tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch (với các bệnh có vắc xin phòng ngừa).
- Hạn chế tụ tập và đến nơi đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc tiếp xúc gần.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển sang lạnh.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như: sởi, rubella, ho gà, thủy đậu, cảm cúm, ...
- Đảm bảo an toàn thực phẩm bằng cách ăn chín, uống sôi; ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày; môi trường sống cần sạch sẽ, thông thoáng…
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị./.
Hằng Ni