Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bước nhận biết, xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm thường có các triệu chứng: rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đau bụng dữ dội, tiêu chảy (có thể ra máu) kèm theo sốt cao và nhức đầu, mệt mỏi, lơ mơ, có thể hôn mê, liệt chi… Triệu chứng rối loạn tiêu hóa xuất hiện đột ngột và trầm trọng, khác với triệu chứng viêm dạ dày cũng nôn ói nhưng diễn tiến khác (mức độ khó chịu và đau tăng dần). Các nguyên nhân chủ yếu do ăn phải thức ăn ôi thiu, dùng thức ăn và đồ uống đã quá hạn sử dụng, thức ăn chế biến không hợp vệ sinh, bảo quản không tốt nhiễm vi sinh và độc tố vi khuẩn gây bệnh.
Ngộ độc thực phẩm thường có các triệu chứng: rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đau bụng dữ dội, tiêu chảy (có thể ra máu) kèm theo sốt cao và nhức đầu, mệt mỏi, lơ mơ, có thể hôn mê, liệt chi… Triệu chứng rối loạn tiêu hóa xuất hiện đột ngột và trầm trọng, khác với triệu chứng viêm dạ dày cũng nôn ói nhưng diễn tiến khác (mức độ khó chịu và đau tăng dần). Các nguyên nhân chủ yếu do ăn phải thức ăn ôi thiu, dùng thức ăn và đồ uống đã quá hạn sử dụng, thức ăn chế biến không hợp vệ sinh, bảo quản không tốt nhiễm vi sinh và độc tố vi khuẩn gây bệnh.
Nguyên nhân gây ngộ độc: do hóa chất bảo quản thực phẩm (thuốc trừ sâu, hóa chất chống sâu mọt, hàn the, chất định hình, phẩm màu...) và do các vi sinh vật; ngộ độc do thức ăn và nước uống bị nhiễm chất độc như: kim loại (arsen, kẽm, chì...), các thuốc diệt côn trùng (rau quả bị tồn lưu các hóa chất trừ sâu, chất bảo quản chống thối rữa). Độc tố có sẳn trong các cây/con vật có độc như: cá nóc độc, nội tạng cóc, trứng cóc, da cóc, nhựa cóc, mật cá trắm, nọc rắn, nọc bọ cạp, nọc ong, vỏ củ sắn, nấm độc, lá ngón, cà độc dược...
Nhận biết một người bị ngộ độc thức ăn: Sau khi ăn hay uống thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 380C. Người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng nặng hơn. Nếu nôn nhiều lần và đi ngoài nhiều lần, người bệnh sẽ dễ bị mất nước, mất chất điện giải dẫn đến bị trụy tim mạch và sốc, phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước nhất là đối với những người nôn nhiều trên 5 lần và đi ngoài phân lỏng trên 5 lần/3 giờ, sốt cao, miệng khô, môi khô, mắt trũng, khát nước, mạch nhanh, thở nhanh sâu, mệt lả, hay co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.
Xử trí khi bị ngộ độc thức ăn: Khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm, phải giữ lại thức ăn thừa, chất nôn, nước tiểu, phân… để chuyển cho cơ quan y tế gần nhất xác minh nguyên nhân ngộ độc; hỗ trợ cho người bị ngộ độc nôn ra hết những thức ăn đã ăn, để ngăn cản sự hấp thu các chất độc vào ruột, đồng thời để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Cho bệnh nhân nằm chỗ thoáng mát, cho uống từng ít nước lọc và chuyển đến cơ sở y tế để được chăm sóc, chữa trị.
Các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thức ăn:
- Chọn thực phẩm tươi sạch:
+ Chọn rau quả tươi, không bị dập nát, không có mùi lạ, không mốc.
+ Chọn thịt có kiểm dịch thú y và đạt tiêu chuẩn thịt tươi.
+ Chọn cá và thủy hải sản tươi, màu sắc bình thường, không mùi bất thường.
+ Chọn thực phẩm đã chế biến phải có hộp hoặc đóng gói nguyên vẹn, có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ nội dung (tên sản phẩm, trọng lượng, thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất, chế biến, số đăng ký sản xuất, còn thời hạn sử dụng).
+ Nói không với thực phẩm lạ (cá lạ, rau, quả hoặc nấm lạ); không dùng phẩm màu, đường hóa học không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.
- Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm: Khu vực chế biến thực phẩm không có nước đọng, xa các khu khói, bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường; có đủ nước sạch sử dụng để chế biến thực phẩm và vệ sinh khu vực chế biến thường xuyên; loại bỏ (diệt) ruồi, gián, chuột, bọ…
- Vệ sinh đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ: ngay sau khi sử dụng xong, không để dụng cụ bẩn qua đêm; dụng cụ tiếp xúc với thức ăn chín và sống phải để riêng biệt.
-. Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ: phải nấu kỹ để đạt nhiệt độ sôi đồng đều, không nên ăn các thức ăn sống như gỏi cá, thịt bò tái, nem sống …
- Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chế biến xong
- Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn, không dùng tay để bốc thức ăn chín hay đá để pha nước uống.
- Giữ vệ sinh cá nhân tốt, không tiếp xúc với thực phẩm khi đang bị đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt hay có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm.
- Sử dụng nước sạch trong ăn uống, nước phải trong, không có mùi, không có vị lạ.
- Sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, rác thải phải đựng vào thùng kín có nắp đậy, đổ đúng nơi quy định./.
Bác sĩ PHƯỚC NHƯỜNG