Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức đề kháng, giữ ấm cơ thể tránh nhiễm lạnh, phát hiện sớm những vẫn đề về sức khỏe, phòng chống dịch bệnh không để xảy ra.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức đề kháng, giữ ấm cơ thể tránh nhiễm lạnh, phát hiện sớm những vẫn đề về sức khỏe, phòng chống dịch bệnh không để xảy ra.
Thời gian tới là dịp Tết cổ truyền 2024 và mùa Lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số ca mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, các địa phương cần chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân.Thực hiện công tác quản lý y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Sở Y tế Bạc Liêu đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh; đặc biệt theo dõi các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi do vi rút và Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế trong mọi tình huống, chủ động giám sát thường xuyên trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, không để lây lan dịch bệnh; Ngành Y tế đã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đảm bảo kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là mũi chủ công tấn công không để xảy ra các dịch bệnh mùa đông xuân và các bệnh lưu hành như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy, thủy đậu, quai bị, viêm kết mạc.... Các cơ sở y tế tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và thay đổi hành vi để bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu, Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố và các Trạm y tế cần thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong tỉnh và khu vực để có các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp:
- Giám sát chặt chẽ, theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút và chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo công tác y tế trong mọi tinh huống, không để lây lan dịch bệnh và hạn chế bệnh nặng, tử vong... Lưu ý thực hiện các biện pháp phòng dịch cá nhân, tăng cường nâng cao nhận thức về phòng bệnh; đặc biệt quan tâm tới các nơi tập trung đông đúc như trường học, ký túc xá, chợ, khu dân cư….
- Tăng cường truyền thông, cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp. Triển khai đồng bộ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, cán bộ y tế cơ sở đến tận nhà dân cùng hướng dẫn và làm với dân, đặc biệt chú trọng phòng chống nhiễm vi rút đường hô hấp cấp, rubella, thủy đậu, quai bị, nhiễm khuẩn do não mô cầu, sốt xuất huyết, sốt rét, nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống,.
- Đối với dịch sốt xuất huyết: thực hiện giám sát chặt chẽ ca bệnh, vectơ, tổ chức các biện pháp phun thuốc diệt muỗi và các côn trùng khác (sử dụng đúng hóa chất, phun đúng quy định), khai thông cống rãnh, san lấp các ổ đọng nước (loại trừ ổ bọ gậy), tuyệt đối phải ngủ màn chống muỗi đốt.
- Đối với bệnh sốt rét: tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, điều trị đúng, kịp thời, không để xảy ra tử vong do sốt rét (chú ý các đối tượng mới vào vùng sốt rét).
- Đối với phòng chống nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống: thường xuyên tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân về vệ sinh ăn uống, cách lựa chọn thực phẩm tươi, ngon, an toàn để chế biến. Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm phối hợp với các ban ngành kiểm tra vệ sinh tại các bếp ăn tập thể, căn tin, cơ sở dịch vụ ăn uống, khu vực chế biến, nơi giết mổ tập trung…. Thực hiện đúng các quy định trong bảo quản, chế biến thực phẩm, chú trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối trong các ngày lễ và dịp tết. Những người làm nhiệm vụ phục vụ và nấu ăn tại các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể…. phải được học những kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, phải được khám sức khỏe trước khi vào làm việc và định kỳ 6 tháng 1 lần khám lại để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm gửi đi điều trị.
- Phối hợp chặt chẽ với tuyến trên trực tiếp để phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đảm bảo kinh phí, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất… cho công tác phòng, chống dịch.
Các cơ sở y tế đã chủ động, tích cực phòng chống có hiệu quả, tăng cường công tác tuyên truyền, vệ sinh phòng dịch, tuy nhiên vẫn còn một số mặt chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Nguyên nhân cơ bản có cả yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có yếu tố chủ quan như: công tác giám sát, phát hiện ca bệnh còn chậm, chưa chú trọng và phát huy hết hiệu quả các biện pháp phòng dịch cơ bản (vệ sinh cá nhân, rửa tay, đeo khẩu trang, vệ sinh môi trường, ý thức người dân về việc thực hiện các biện pháp đã được tuyên truyền…), nhận thức về công tác phòng bệnh còn chưa đầy đủ và chưa triệt để./.
Bác sĩ Phước Nhường