Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng ngừa bệnh tay - chân - miệng và dấu hiệu cảnh báo bệnh tay - chân - miệng trở nặng.

Bệnh tay - chân - miệng do siêu vi đường ruột thuộc nhóm Coxsackievirus và Enterovirus type 71 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 3 tuổi), người lớn và người già vẫn có thể bị nhiễm bệnh nhưng ít hơn và bệnh nhẹ hơn.

Bệnh tay - chân - miệng do siêu vi đường ruột thuộc nhóm Coxsackievirus và Enterovirus type 71 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 3 tuổi), người lớn và người già vẫn có thể bị nhiễm bệnh nhưng ít hơn và bệnh nhẹ hơn. Tại nước ta, số ca nhiễm bệnh tay - chân - miệng có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do vi rút khu trú trong phân.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay - chân - miệng:

- Thời gian ủ bệnh: từ 3 – 6 ngày, sốt cao và khó hạ sốt.

- Đau họng, chảy nước bọt, kèm theo biếng ăn hoặc bỏ ăn.

- Khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường.

- Sang thương da, niêm chủ yếu nằm ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Sang thương ở miệng đa số là những vết loét đỏ (do các bóng nước vỡ ra), đường kính 2-3mm ở vòm họng, niêm mạc má, nướu, lưỡi. Sang thương ở da là bóng nước, có đường kính 2 – 10mm, hình bầu dục hoặc hơi tròn, nổi cộm hay ẩn dưới da trên nền hồng ban, không đau, khi bóng nước khô để lại vết thâm da.

Theo dõi các dấu hiệu nặng:

- Mạch nhanh, da nổi bông, tay chân lạnh, thở nhanh…

- Sốt cao trên 390C, giật mình liên tục (dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh), run chi, chới với, quấy khóc, bứt rứt, co giật… cần đưa trẻ nhập viện ngay.

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài.

Các biện pháp hỗ trợ chăm sóc trẻ bệnh tay - chân - miệng:

- Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…

- Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

- Cách ly trẻ bệnh tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em).

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống chín).

- Cho ăn đa dạng thực phẩm, bữa ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm vitamin và khoáng chất), không ăn uống quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng và nguồn năng lượng mất đi do quá trình tiến triển của bệnh; ưu tiên các thức ăn giàu đạm, đặc biệt các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá lóc, cá chép, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản. Đối với trẻ mắc bệnh tay – chân - miệng, bị viêm loét ở niêm mạc miệng gây đau rát khi ăn uống dẫn tới trẻ chán ăn, bỏ ăn, khi chế biến món ăn cho trẻ cần lưu ý: nên cho trẻ ăn các thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, sữa,…; không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa khiến trẻ sợ hãi hoặc dễ nôn trớ, nên thay đổi món thường xuyên và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp trẻ dễ ăn và ăn được nhiều hơn; dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn; phân và các chất thải của trẻ bệnh phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị./.

Bác sĩ Phước Nhường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết