Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác truyền thông và quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2024

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang đến gần, nhu cầu về thực phẩm của người dân tăng cao, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chuẩn bị lượng hàng hoá nguyên liệu rất lớn và sản xuất bán ra thị trường.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang đến gần, nhu cầu về thực phẩm của người dân tăng cao, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chuẩn bị lượng hàng hoá nguyên liệu rất lớn và sản xuất bán ra thị trường. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang được các cấp, ngành địa phương đặc biệt chú trọng. Ngành Y tế rất cần sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ ở từng người dân “nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng”, giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm không an toàn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Bạc Liêu, Sở Y tế, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, chấn chỉnh kịp thời và khắc phục triệt để những tồn tại. Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP từ tỉnh/huyện/thị xã đến xã/phường/thị trấn được củng cố; công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến ATTP được duy trì thường xuyên, nghiêm khắc. Trong năm 2023, tuyến tỉnh đã triển khai 03 đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Tháng hành động vì ATTP và Tết Trung thu. Thành lập 323 đoàn thanh tra, kiểm tra 6.167 cơ sở, số cơ sở đạt yêu cầu là 5.810 cơ sở (đạt 94,21%). Số cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính về ATTP là 13, với tổng số tiền phạt hơn 23 triệu đồng; thực hiện 146 mẫu kiểm nghiệm phục vụ thanh tra, kiểm tra về ATTP, số mẫu đạt yêu cầu là 146 (đạt 100%); Cấp 74 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…Công tác truyền thông được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi ATTP của người dân và người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cam kết không kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm sử dụng chất phụ gia ngoài danh mục cho phép. Kết quả, tổ chức 906 buổi nói chuyện về ATTP với hơn 8.200 lượt người tham dự, xây dựng 187 băng rôn - khẩu hiệu, hơn 4.500 tờ rơi, 4.383 buổi tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, tổ chức 28 lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất, các bếp ăn tập thể và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm…

 

Thực phẩm đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn và giá cả hợp lý là nhu cầu thiết yếu và là đòi hỏi chính đáng của mọi người dân. Đảm bảo nguồn thực phẩm dồi dào, chất lượng, an toàn và cung ứng kịp thời cho người dân, đảm bảo an toàn an ninh lương thực là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP. Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP nhằm kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và tăng cường công tác truyền thông GDSK, thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; bắt buộc các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; cơ quan quản lý thực thi nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Tăng cường giám sát, hậu kiểm, xử phạt vi phạm tại các cơ sở sản xuất, mua bán, bảo quản, lưu thông các mặt hàng thực phẩm; nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm. Vấn đề về vệ sinh ATTP được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang vào cuộc quyết liệt. Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề vệ sinh ATTP trong tình hình mới; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về vệ sinh ATTP giai đoạn 2016 - 2020; Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTW MTTQVN ngày 30/3/2016 vận động và giám sát bảo đảm vệ sinh ATTP. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/08/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và các nguyên liệu thuốc y học cổ truyền.

Đối với người tiêu dùng:

1. Chọn thực phẩm tươi sạch:

- Với rau quả: chọn các loại rau, quả tươi, không bị dập nát, không có mùi lạ.

- Với thịt phải qua kiểm dịch thú y và đạt tiêu chuẩn thịt tươi.

- Cá và thủy sản phải còn tươi, giữ nguyên màu sắc bình thường, không có dấu hiệu ươn, thối.

- Các thực phẩm đã chế biến phải được đóng hộp hoặc đóng gói đảm bảo, phải có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ nội dung như tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất, chế biến; có số đăng ký sản xuất và còn thời hạn sử dụng. Với đồ hộp không chọn hộp bị méo, phồng hay gỉ.

2. Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm:

- Khu vực chế biến thực phẩm không có nước đọng, xa các khu khói, bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường.

- Tất cả các bề mặt sử dụng để chuẩn bị thực phẩm phải dễ cọ rửa, luôn giữ gìn sạch sẽ, khô ráo.

- Bếp phải đủ ánh sáng và thông gió.

- Phải đủ nước sạch sử dụng để chế biến thực phẩm và vệ sinh khu vực chế biến thường xuyên.

- Ngăn ngừa, diệt gián, chuột và các động vật khác trong khu vực chế biến thực phẩm.

3. Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ

4. Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ

- Rau, quả phải ngâm ngập trong nước sạch, rửa kỹ dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu, lặp lại 3-4 lần.

- Các loại thực phẩm đông lạnh phải làm tan đá hoàn toàn và rửa sạch trước khi nấu nướng.

- Nhiệt độ sôi có thể tiêu diệt hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh nhưng phải nấu kỹ để đạt nhiệt độ sôi đồng đều và đủ thời gian > 20 phút từ lúc sôi. Chú ý phần thịt gần xương nếu thấy còn có màu hồng hoặc màu đỏ thì bắt buộc phải đun lại cho chín hoàn toàn.

5. Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong

6. Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn

7. Giữ vệ sinh cá nhân tốt

8.  Sử dụng nước sạch trong ăn uống

9. Sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh

10. Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ

- Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, gián, chuột và hướng dẫn vệ sinh phòng chống các dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành Y tế.

- Rác thải phải đựng vào thùng kín có nắp đậy có phân loại rác, đổ đúng giờ và đúng nơi quy định

Đối với doanh nghiệp và người sản xuất:

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về vệ sinh ATTP, phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm vệ sinh ATTP.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm: tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề sản xuất, mua bán, chế biến thực phẩm.

Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng: Đối với việc thực thi pháp luật về vệ sinh ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nêu cao trách nhiệm của UBND các cấp: Tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác vệ sinh ATTP, phối hợp giữa chính quyền ở địa phương với các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong đảm bảo vệ sinh ATTP./.

 

Bác sĩ Phước Nhường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết