Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chế độ ăn lạt (ít muối) và vận động điều độ giúp kiểm soát tăng huyết áp.

Theo WHO, ăn mặn là tác nhân gây ra 62% các bệnh tai biến mạch máu não và 49% bệnh nhồi máu cơ tim. Nếu ăn mặn trong khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến bệnh thận, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tăng gánh cơ tim gây suy tim, những cơn đau tim và đột quỵ.

Theo WHO, ăn mặn là tác nhân gây ra 62% các bệnh tai biến mạch máu não và 49% bệnh nhồi máu cơ tim. Nếu ăn mặn trong khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến bệnh thận, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tăng gánh cơ tim gây suy tim, những cơn đau tim và đột quỵ. Ăn mặn còn là tác nhân gây ra nhiều căn bệnh khác: suy thận, loãng xương, ung thư dạ dày…

 

Người Việt có thói quen ăn mặn nhiều, bữa ăn hàng ngày luôn phải có bát nước chấm, mỗi món ăn khác nhau phải kèm với một loại nước chấm riêng và đều rất mặn. Cũng chính thói quen này mà nước chấm làm cho bữa ăn mặn hơn bình thường do nước chấm đều chứa hàm lượng muối rất cao. Việc dùng nước chấm kết hợp với các món ăn chính hàng ngày đã làm cho mỗi người ăn vào lượng muối nhiều gấp mấy lần so với số lượng cho phép. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, qua điều tra cho thấy người Việt Nam hiện đang dùng muối nhiều gấp 3 lần so với lượng muối cho phép. Nhu cầu muối mỗi ngày ở người trưởng thành, một người chỉ nên dùng dưới 6 gram muối ăn (NaCl) để giữ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, thiếu muối cơ thể cũng bị bải hoải, mệt mỏi, sự cân bằng bị phá vỡ, rối loạn nội môi, điện giải, cân bằng áp lực thẩm thấu... Khi cơ thể hấp thụ lượng muối quá mức bình thường sẽ làm tăng áp lực máu lên thành động mạch, đồng nghĩa với nguy cơ tăng huyết áp.

Bệnh nhân tăng huyết áp cần tuân thủ các nguyên tắc chính:

- Chế độ ăn “3 giảm”: Giảm lượng muối ăn vào; giảm chất béo nhất là chất béo từ động vật; giảm uống rượu bia, thức uống có cồn.

-  Chế độ ăn “3 tăng”: Tăng sử dụng thực phẩm giàu canxi (tôm, cua, hải sản, đậu nành…); giàu kali (chuối, xoài…) và giàu các chất xơ, vitamin như các loại rau xanh, khoai củ, các loại đậu và trái cây…

- Xây dựng lối sống “1 tăng, 1 giảm và 1 bỏ”: Tăng vận động thể dục thể thao; giảm căng thẳng, vứt bỏ ức chế muộn phiền; và bỏ hẳn việc hút thuốc lá.

- Chế độ ăn và vận động cụ thể cần phải tuân thủ hàng ngày cho người tăng huyết áp và tránh nguy cơ tăng huyết áp:

Ăn giảm muối hơn bình thường, nên sử dụng dưới 6g/ngày.

Hạn chế calo ăn vào, nhất là với những người quá béo, những người không béo chỉ nên ở mức 35 - 40kcal/kg cân nặng cơ thể.

Giảm lipid trong khẩu phần ăn, nhất là với những người có xơ vữa động mạch, nên ở mức 25 - 40g/ngày. Nên dùng lipid thực vật, tức là các loại dầu và các hạt có dầu, dầu oliu là tốt nhất.

Không nên ăn quá nhiều protein động vật, chỉ ở mức 60 - 70g/ngày.

Glucid: 300 - 350g/ngày, nên dùng các hạt ngũ cốc không xay xát kỹ; hạn chế dùng các loại đường và bánh kẹo.

Tỷ lệ % năng lượng cân bằng giữa các chất ăn vào: protein: 12 - 15% năng lượng khẩu phần; lipid: 15 - 20% năng lượng khẩu phần; glucid: 65 - 70% năng lượng khẩu phần.

Ăn nhiều rau xanh và trái cây, vì chứa nhiều kali, canxi, magiê và các vitamin, nhất là các loại rau quả giàu vitamin C, E, A...

Nước uống cũng vừa phải (2,5 – 3 lít nước/ ngày), nên uống chè sen, chè hoa hòe, nước râu ngô, nước rau luộc.

Không hút thuốc lá vì nicotin làm co mạch ngoại vi, gây nghiện và là tác nhân chính gây ung thư phổi.

Vận động thường xuyên hàng ngày đều đặn và nên có 1 môn thể thao yêu thích để luyện tập./.

Bác sĩ PHƯỚC NHƯỜNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết