Đối với cơ thể trẻ, ở mỗi giai đoạn phát triển có nhu cầu sử dụng chất dinh dưỡng chi tiết, cụ thể, giúp cơ thể tăng trưởng về thể chất, tinh thần. Vì thế, bố mẹ cần xây dựng cho trẻ một chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp để đáp ứng nhu cầu cân đối và tốt nhất.
Thực hiện Công văn 4091/BYT - BMTE, ngày 02/11/2024 của Bộ Y tế về việc tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A kết hợp tẩy giun cho trẻ em đợt 2 năm 2024; Công văn số 207/VDD-PEM, ngày 26/3/2023 của Viện Dinh dưỡng về việc Hướng dẫn thực hiện các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em giai đoạn 2021-2025; thực hiện Công văn số 1057/VDD-GSTT ngày 18/10/2024 của Viện Dinh dưỡng về việc xây dựng Kế hoạch triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2024 cho trẻ 6-59 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ em 24-56 tháng tuổi; Kế hoạch số 11/KH-KSBT ngày 17/02/2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về Hoạt động kiểm soát và phòng, chống bệnh tật năm 2024. Ngành Y tế Bạc Liêu triển khai Chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao đợt 2 năm 2024, kết hợp lồng ghép cân đo trẻ dưới 5 tuổi. Chỉ tiêu Chiến dịch uống bổ sung Vitamin A liều cao đợt 2/ 2024: Tỷ lệ trẻ em từ 06 - 36 tháng tuổi trên toàn tỉnh được uống Vitamin A liều cao đạt > 95%; Tỷ lệ trẻ có nguy cao (Tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm sởi) được uống Vitamin A bổ sung đạt 100%; Tỷ lệ phụ nữ có thai trong toàn tỉnh được tư vấn và uống viên sắt đạt 100%;
Tại điểm tư vấn phòng chống suy dinh dưỡng, tổ chức cho trẻ uống vitamin A, Trạm y tế đảm bảo đối tượng được uống vitamin A đúng liều hướng dẫn và đạt chỉ tiêu kế hoạch: Trẻ từ tròn 06 tháng đến 11 tháng 29 ngày tuổi: uống liều duy nhất 100.000IU; Trẻ từ tròn 12 tháng đến 35 tháng 29 ngày tuổi: uống liều duy nhất 200.000IU; Tiếp tục bổ sung vitamin A cho trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A cao như tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, nhiễm khuẩn hô hấp (liều duy nhất theo cách tính như trên); Tiếp tục bổ sung vitamin A cho phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng liều duy nhất 200.000IU; Khu vực chờ uống thuốc phải được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, khử khuẩn. Bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn; Nhân viên y tế, người đưa trẻ đến uống thuốc và trẻ được đưa đến địa điểm uống thuốc phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, bảo đảm vệ sinh cá nhân; Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, chuẩn bị dụng cụ cho trẻ uống đúng quy trình phòng dịch, đảm bảo vệ sinh và theo các hướng dân chuyên môn; Cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống thuốc cần phải sàng lọc trước khi cho uống. Tạm hoãn đối với những trẻ có chống chỉ định sau khi khám sàng lọc và sẽ cho uống bù vào thời gian thích hợp hoặc sau khi hết các dấu hiệu chống chỉ định; Theo dõi trẻ ít nhất trong vòng 30 phút sau khi uống để đảm bảo an toàn cho trẻ; Rà soát lại toàn bộ trẻ trong độ tuổi được uống thuốc, những trẻ chưa được uống trong chiến dịch thì tổ chức cho uống vét để đảm bảo không bỏ sót đối tượng. Tổ chức cho trẻ uống bù với những trẻ không được uống hoặc tạm hoãn trong thời gian tổ chức chiến dịch để đảm bảo không bỏ sót đối tượng; Tổ chức tuyên truyền các thông điệp, các nội dung cần tăng cường truyền thông hưởng ứng ngày vi chất dinh dưỡng trên loa truyền thanh xã, Trạm Y tế; Phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ xã, phường, thị trấn, cộng tác viên, các Ban ngành đoàn thể truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Nguyên tắc để đạt được nhu cầu dinh dưỡng lứa tuổi tiểu học:
- Ăn đủ bữa: ngoài 3 bữa chính (sáng – trưa – chiều) cần cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ: Bữa ăn chính cần đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm giàu chất bột, nhóm giàu chất béo, nhóm giàu chất đạm và nhóm giàu vitamin, khoáng, chất xơ (rau, quả…); bữa phụ: có thể dùng những thức ăn gọn, sẵn có: bánh bông lan, khoai, chè, sữa …
- Bữa ăn sáng là bữa chính: cung cấp năng lượng cho trẻ học tập và hoạt động cho một ngày mới; ăn sáng không đầy đủ sẽ dẫn đến hạ đường huyết trong giờ học.
- Đảm bảo nhu cầu canxi: Canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng, giúp xương phát triển vững chắc và giúp trẻ phát triển chiều cao. Canxi được cơ thể hấp thụ rất tốt từ sữa; thực phẩm giàu canxi: sữa, cua ốc, tôm, tép, cá nhỏ nguyên xương …
- Ăn nhiều thực phẩm giàu Lysin: Lysin là một loại acid amin góp phần quan trọng trong tăng trưởng chiều cao; thực phẩm giàu Lysin: thịt, cá, trứng, sữa, các lọai đậu, đậu nành… Lysin dễ bị phá hủy trong quá trình chế biến nấu nướng thức ăn. Do vậy, cần giúp trẻ ăn đa dạng thức ăn và không nấu quá chín quá nhừ nhằm tránh thiếu hụt Lysin.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt: sắt là nguyên liệu để tạo máu, thiếu chất sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, gây chậm tăng trưởng, ảnh hưởng sức khỏe, sức học, khả năng tư duy, sáng tạo kém; thức ăn nhiều sắt: gan, huyết, trứng, thịt, cá, đậu đỗ, rau dền, sữa... Tăng hấp thu sắt bằng vitamin C trong rau củ, trái cây …
- Tình trạng nhiễm giun sán gây ra thiếu máu thiếu sắt là một nguyên nhân phổ biến ở Việt Nam, vì vậy trẻ (và cùng cả gia đình) cần định kỳ tẩy giun 2 lần mỗi năm.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất kẽm: Chất kẽm rất cần thiết cho nhiều hoạt động chuyển hóa của cơ thể, giúp phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến biếng ăn, chuyển hóa và trao đổi chất kém…Thức ăn giàu kẽm: hàu, sò, gan heo, sữa, thịt bò, trứng (lòng đỏ), cá, đậu nành …
- Sử dụng muối Iod trong chế biến thức ăn: Iod là nguyên liệu tạo nên nội tiết tố tuyến giáp, tác động lên hoạt động của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể để thúc đẩy sự tăng trưởng. Thiếu Iốt sẽ dẫn đến sự trì trệ về phát triển thể chất lẫn tâm thần. Thức ăn giàu Iod: Muối iod, phomai, trứng gà, sữa, cá biển, rau câu, tảo… Iod rất dễ bốc hơi và phân hủy ở nhiệt độ cao, vì thế nên bảo quản muối Iod trong lọ đậy nắp kín, tránh xa nguồn nhiệt và nêm nếm muối iod khi đã nấu chín thức ăn.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em là hết sức cần thiết ở tất cả các quốc gia, đặc biệt tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đưa đa vi chất theo danh mục quy định vào sản phẩm thực phẩm và khuyến khích các bà mẹ lựa chọn sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng. Người dân nên lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, dùng muối Iốt, tăng cường sắt kẽm, dầu ăn tăng cường vitamin A, sử dụng sữa tăng cường đa vi chất để đảm bảo sự tăng trưởng và bảo vệ sức khỏe./.
Bác sĩ Phước Nhường