Dùng muối I-ốt (MI) hằng ngày thay thế muối thường để tránh tình trạng thiếu hụt I-ốt, phòng ngừa các bệnh rối loạn chuyển hóa do thiếu I-ốt và bệnh bướu cổ.
I-ốt là vi chất dinh dưỡng đặc biệt cần thiết cho cơ thể, là tiền chất tổng hợp nội tiết tuyến giáp (T3, T4), giúp điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và điều hòa các hoạt động trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da - lông - tóc - móng; duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động cân bằng và ổn định... giúp cơ thể phát triển ngày càng hoàn thiện hơn như: não bộ, hệ thần kinh, chuyển hóa và vận động.
I-ốt là vi chất dinh dưỡng đặc biệt cần thiết cho cơ thể, là tiền chất tổng hợp nội tiết tuyến giáp (T3, T4), giúp điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và điều hòa các hoạt động trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da - lông - tóc - móng; duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động cân bằng và ổn định... giúp cơ thể phát triển ngày càng hoàn thiện hơn như: não bộ, hệ thần kinh, chuyển hóa và vận động.
I-ốt là nguyên tố vô cơ vi lượng rất cần cho con người thường xuyên, liên tục mà con người không tự tổng hợp được. Trong khi đó lượng i-ốt từ bên ngoài cung cấp qua thức ăn ngày càng nghèo đi do hiện tượng i-ốt trong đất bị mất dần bởi cuốn trôi do mưa, lũ, đất đai bạc màu, xói mòn, ô nhiễm môi trường... nên thực phẩm là nguồn cung cấp i-ốt chính cho con người ngày càng thiếu hụt. Mặt khác, sự hấp thu i-ốt trong mỗi người ngày càng sụt giảm do ảnh hưởng của hóa chất và các phụ gia thực phẩm, vì vậy việc việc bổ sung thêm i-ốt bằng cách dùng muối i-ốt là rất cần thiết. Sự hấp thu và đào thải i-ốt của cơ thể rất đơn giản. Nếu dư thừa lượng i-ốt cơ thể sẽ tự động đào thải theo nước tiểu. Nhưng thiếu hụt i-ốt lại gây ra những nguy cơ lớn về rối loạn nội tiết và bệnh tật. Trong mỗi giai đoạn phát triển của đời người, thiếu i-ốt sẽ gây nên tác hại khác nhau. Thiếu i-ốt trong thời kỳ bào thai có thể gây sẩy thai, đẻ non, con đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh. Thiểu năng trí tuệ và đần độn ở trẻ là tổn thương vĩnh viễn, không thể chữa khỏi. Ở các lứa tuổi khác, thiếu i-ốt có thể gây nên bướu cổ và các biến chứng của nó như thiểu năng giáp, suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến phát triển sức khỏe. Thiếu i-ốt sẽ gây ra những hậu quả lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của giống nòi và kinh tế - xã hội; mặt ngược lại, bổ sung i-ốt rất đơn giản bằng cách dùng muối i-ốt, không sợ thừa i-ốt và không gây tác hại gì.
Sử dụng muối i-ốt là biện pháp chủ yếu để phòng, chống các bệnh tật rối loạn do thiếu iốt, đây là phương pháp tiện lợi an toàn, rẻ tiền, dễ thực hiện. Có thể phòng tránh được bằng cách bổ sung một lượng i-ốt rất nhỏ vào bữa ăn qua việc sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong chế biến thức ăn hàng ngày. Ngoài ra, cũng có thể bổ sung i-ốt từ các loại hải sản vì những thực phẩm này rất giàu i-ốt. Cơ thể con người không tự sản sinh ra i-ốt mà i-ốt phải được đưa từ bên ngoài vào, chủ yếu qua thức ăn. Nguồn cung cấp i-ốt ước tính có khoảng 60% từ thức ăn động vật, 30% từ thức ăn thực vật, còn lại 10% từ nước uống.
Vai trò của i-ốt trong cơ thể hết sức quan trọng: Hoàn chỉnh não bộ và hệ thống thần kinh trung ương; phát triển trí thông minh, học giỏi, tiếp thu nhanh, nhớ lâu, nhanh nhẹn; phát triển thể lực, phối hợp với các hormon tăng trưởng và các hormon khác kích thích quá trình phát triển xương, da và các bộ phận trong cơ thể làm cho cơ thể cao lớn, vạm vỡ, cường tráng; tăng cường khả năng trí óc và chân tay. Hormon tuyến giáp có tác dụng đến sự phát triển của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương ở thời kỳ kỳ bào thai, sơ sinh, trẻ em. Nếu thiếu i-ốt tùy theo mức độ, thời gian mà gây nhiều hậu quả từ nhẹ đến nặng như: Bướu cổ, đần độn, ở người lớn còn có thể gây sẩy thai, băng huyết, giảm trí nhớ… gọi chung là các rối loạn do thiếu i-ốt...
Thực phẩm chứa nhiều i-ốt giúp mẹ mang thai khỏe mạnh, bé thông minh, phòng ngừa bướu cổ: Khi mang thai, nhu cầu i-ốt của cơ thể sẽ tăng lên 50% để đáp ứng nhu cầu hoóc-môn tuyến giáp của cả mẹ và thai nhi. Thiếu i-ốt có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí não của bé trong cả thời gian mang thai và cả sau khi sinh, trẻ gặp nhiều khó khăn về học hỏi và phát triển nếu không có đủ chất i-ốt. Nếu nghiêm trọng hơn, thai nhi còn có thể gặp hội chứng thiếu i-ốt, gây đần độn kém phát triển cả thể chất và trí não.
Thiếu i-ốt ở trẻ em và người lớn gây tình trạng bướu cổ do tuyến giáp không đủ i-ốt để sản xuất hoóc-môn, nên tuyến giáp phình to ra, gây nên tình trạng bướu giáp đơn thuần hay nặng hơn là nhược giáp.
Để tránh những hiện tượng trên xảy ra, cần cung cấp đủ i-ốt cần thiết cho cơ thể của mình và thai nhi trong bụng mẹ. Trung bình, mẹ mang thai cần thêm từ 100mcg đến 200mcg i-ốt so với khi chưa mang thai.
Các rối loạn thiếu i-ốt theo 4 giai đoạn:
- Thời kỳ bào thai: Sẩy thai, thai chết lúc đẻ, tỷ lệ tử vong trước và sau khi sinh tăng, đần độn thể thần kinh, thiểu năng trí tuệ, điếc câm, liệt cứng hai chi dưới bẩm sinh, lác mắt, đần độn thể phù niêm, thiểu năng trí tuệ, lùn… Bằng chứng mới đây cho biết các hậu quả của sự thiếu hụt i-ốt trong thai nhi có thể đo mức T4 (hormon tuyến giáp) của mẹ giảm, mức T4 của mẹ giảm xuống gây tăng nguy cơ đe doạ sẩy thai.
- Trẻ sơ sinh: Các khuyết tật tâm thần, vận động, bướu cổ sơ sinh, thiểu năng giáp sơ sinh.
- Trẻ em và thiếu niên: Bướu cổ, thiểu năng giáp, chức năng trí tuệ giảm sút, cơ thể chậm phát triển.
- Thiếu hụt iốt ở người lớn: Bướu cổ với các biến chứng, thiểu năng giáp, chức năng trí tuệ giảm sút, giảm sức lao động.
Cách bổ sung i-ốt trong cơ thể:
- Sử dụng muối i-ốt. Muối i-ốt và muối biển hoàn toàn khác nhau. Muối biển thường không có đủ lượng chất i-ốt
- Ăn nhiều thức ăn giàu i-ốt
- Ăn nhiều hơn và chủng loại thực phẩm ăn hàng ngày phải phong phú hơn.
Phòng ngừa thiếu i-ốt cho trẻ:
Với trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn, mẹ nên ăn nhiều hải sản và dùng muối i-ốt hoặc nước mắm có i-ốt để nguồn dưỡng chất quan trọng này tiết qua sữa bổ sung cho bé.
Với trẻ đã ăn dặm cần bổ sung i-ốt qua ăn uống hàng ngày. I-ốt có nhiều trong hải sản: cá, tôm, cua và có nhiều trong các loại rau như rong, tảo biển, rau câu, rau xanh...
Trứng và các thực phẩm từ sữa cũng là một nguồn cung cấp i-ốt khá tốt. Vì vậy, các bà mẹ chú ý thêm vào thực đơn cho bé từ nguồn thức ăn giàu i-ốt này.
Lưu ý khi sử dụng muối iốt:
- Sử dụng muối i-ốt nêm nếm như muối thường khi nấu ăn, nấu chín thức ăn xong hãy cho muối i-ốt vào sau cùng,
- Muối i-ốt có thể dùng để ướp thức ăn,
- Mỗi người nên ăn dưới 6g muối trong một ngày (ít hơn 1 muỗng cà phê muối) để phòng tránh các bệnh tim mạch.
- Một số thực phẩm chứa nhiều iốt là: tảo, rau cần, cá biển, rau chân vịt, muối biển, muối ăn có i-ốt...
Cách lựa chọn, bảo quản muối iốt:
- Chọn những gói muối iốt có nhãn hiệu in rõ ràng, bao bì phải còn nguyên vẹn.
- Đựng muối iốt trong bao nilong buộc kín hoặc trong lọ có nắp đậy.
- Để muối nơi khô ráo, thoáng mát, không rang muối iốt, không để muối gần bếp lửa hoặc nơi có nắng nóng vì iốt dễ bay hơi.
Hưởng ứng tuần lễ Quốc gia phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt và bệnh bướu cổ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu thực hiện Chuyên mục sức khỏe “Phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt”, khuyến khích người dân sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày để cung cấp đủ nhu cầu i-ốt cho cơ thể và phòng ngừa các rối loạn do thiếu i-ốt./.
BS. PHƯỚC NHƯỜNG