Cách chăm sóc và phòng ngừa suy dinh dưỡng trẻ em
Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, khoáng chất, chất béo, vitamin,... gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cơ thể, tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng về thể chất, chức năng các cơ quan, tinh thần, đặc biệt ảnh hưởng lớn đối với trẻ em trong giai đoạn từ 06-24 tháng đầu đời.
Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, khoáng chất, chất béo, vitamin,... gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cơ thể, tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng về thể chất, chức năng các cơ quan, tinh thần, đặc biệt ảnh hưởng lớn đối với trẻ em trong giai đoạn từ 06-24 tháng đầu đời.
Trẻ bị suy dinh dưỡng có biểu hiện chậm phát triển, hạn chế khả năng hoạt động thể lực. Nếu quá trình thiếu hụt chất dinh dưỡng kéo dài, sẽ gặp phải nhiều vấn đề nặng hơn như chậm phát triển trí thông minh, giảm sức đề kháng và thường mắc những bệnh lý nguy hiểm, giao tiếp kém... Ở người trưởng thành, suy dinh dưỡng do một số nguyên nhân liên quan đến tình trạng không cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết như: chứng biếng ăn, các bệnh mãn tính cần kiêng cử, kiêng cử sai quá mức, nghiện rượu…
Suy dinh dưỡng ở trẻ em là vấn đề nan giải gặp phải ở các nước nghèo và nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định nước ta hiện còn nằm trong 36 nước có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi tương đối cao. Các loại suy dinh dưỡng
Phân loại suy dinh dưỡng theo WHO: ở trẻ em dưới 5 tuổi được phân loại: suy dinh dưỡng thể gầy còm, suy dinh dưỡng thể thấp còi, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân.
Suy dinh dưỡng thể gầy còm: Có chiều cao đạt chuẩn nhưng cân nặng theo chiều cao ở mức thấp.
Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Có nhiều cao thấp hơn mức trung bình so với độ tuổi.
Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: Có cân nặng thấp so với mức trung bình độ tuổi.
Suy dinh dưỡng tiềm ẩn là nhóm thiếu hụt vitamin và khoáng chất: Tình trạng suy dinh dưỡng do không bổ sung đủ các dưỡng chất cần thiết.
Suy dinh dưỡng thể gầy còm là tình trạng trẻ ốm, nhẹ cân hơn so với chiều cao thông thường
Đối với người trưởng thành, đánh giá SDD hay chính xác hơn là thiếu năng lượng trường diễn dựa vào chỉ số BMI, cân nặng/ chiều cao x chiều cao. Chỉ số BMI < 18.5 được chẩn đoán thiếu năng lượng trường diễn
Phân loại suy dinh dưỡng theo thể: phân loại suy dinh dưỡng khác cũng thường được áp dụng là phân loại theo thể trạng hình thái, có 3 nhóm suy dinh dưỡng gồm:
Suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor): Tình trạng suy dinh dưỡng nặng nhưng nhìn bên ngoài vẫn thấy tròn trịa, không có dấu hiệu gầy còm.
Suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus): Tình trạng suy dinh dưỡng nặng biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài, người bệnh (phổ biến nhất là trẻ em) có tướng gầy, biểu hiện chán ăn, mệt mỏi rõ rệt.
Suy dinh dưỡng thể hỗn hợp: Tình trạng suy dinh dưỡng kết hợp giữa thể phù và thể teo đét, khó chẩn đoán, dễ bị bỏ qua.
Nguyên nhân bệnh suy dinh dưỡng:
Bữa ăn nghèo nàn thiếu chất dinh dưỡng cần thiết
Khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém do các bệnh lý ở đường tiêu hóa
Trong sinh hoạt thường ngày, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, ăn dặm sớm (trước 4 tháng tuổi)
Thức ăn không hợp khẩu vị hợp hoặc trẻ không được ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau
Thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng (tiêu chảy, viêm phổi, giun sán…) phải sử dụng thuốc có hiệu quả diệt vi trùng gây bệnh, cùng lúc sẽ diệt bớt các vi khuẩn có lợi cho cơ thể tại đường ruột, làm giảm quá trình lên men thức ăn dẫn đến việc kém hấp thu và biếng ăn.
Trẻ gặp phải vấn đề tâm lý khi gia đình có những hành động ép buộc quá mức để cho trẻ ăn, khiến trẻ dễ nảy sinh tâm lý sợ hãi, lâu ngày sẽ gây ra bệnh chán ăn.
Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hoặc mẹ cho bé ăn dặm quá sớm
Trẻ mắc các dị tật bẩm sinh liên quan đến hệ tiêu hóa và chuyển hóa đều làm tăng nguy cơ bị mắc suy dinh dưỡng. Các dị tật thường gặp là sứt môi chẻ vòm, hẹp phì đại môn vị, rối loạn chuyển hóa, hội chứng down…
Mẹ thiếu kiến thức nuôi con: Theo thống kê cho thấy có trên 60% bà mẹ Việt Nam thiếu kiến thức nuôi con và các nghiên cứu về suy dinh dưỡng cho thấy nguyên nhân kinh tế thường dẫn đến tình trạng này. Nhận thức của các bà mẹ ở các vùng khác nhau nhất là các bà mẹ ở vùng sâu vùng xa, vùng người dân tộc thiểu số hoặc khi trong gia đình người phụ nữ là lao động chính thường ít có thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Do vậy, công tác truyền thông thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ và những người trực tiếp chăm sóc trẻ tại cộng đồng có vai trò rất quan trọng.
Để nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng cần theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ hàng tháng. Trẻ em bị suy dinh dưỡng khi trẻ không tăng cân, nhẹ cân hơn đứa trẻ bình thường cùng tuổi. Trẻ <5 tuổi có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển cơ thể. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 ngoài sữa mẹ cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung. Khi cho trẻ ăn bổ sung cần đảm bảo đủ 4 thành phần theo ô vuông thức ăn là: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Nhiều bà mẹ chỉ cho con ăn bột muối, không cho dầu mỡ, rau xanh, thức ăn động vật và quả chín…. Đây là tập quán nuôi dưỡng chưa hợp lý cần phải khắc phục. Mặt khác để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng trẻ nhỏ cần được ăn nhiều bữa trong ngày vì trẻ nhỏ không thể ăn một lần với lượng thức ăn như trẻ lớn hoặc người lớn.
Cần xây dựng chế độ ăn hợp lý và khoa học cho trẻ: Di truyền, môi trường sống và dinh dưỡng là những yếu tố quan trọng tác động đến quá trình phát triển chiều cao và tầm vóc của trẻ. Trong đó, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất và có thể can thiệp được. Muốn phòng SDD trẻ em cần có sự hiểu biết, chủ động và thay đổi thực hành của mỗi gia đình. Do đó chương trình phòng chống SDD lấy gia đình, trọng tâm là người mẹ, là đối tượng thực hiện công tác chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em./.
Bác sĩ PHƯỚC NHƯỜNG