Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháng hành động vì Người cao tuổi: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội!

Người cao tuổi (NCT) theo quan điểm y học là người ở giai đoạn già hóa của cuộc đời, gắn liền với việc suy giảm các chức năng nội tạng cơ thể; về mặt pháp luật, Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010 quy định: Người cao tuổi là “Tất cả các công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Theo WHO: Người cao tuổi phải từ 70 tuổi trở lên. Một số nước phát triển như Đức, Hoa Kỳ…

Người cao tuổi (NCT) theo quan điểm y học là người ở giai đoạn già hóa của cuộc đời, gắn liền với việc suy giảm các chức năng nội tạng cơ thể; về mặt pháp luật, Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010 quy định: Người cao tuổi là “Tất cả các công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Theo WHO: Người cao tuổi phải từ 70 tuổi trở lên. Một số nước phát triển như Đức, Hoa Kỳ… lại quy định người cao tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên. Quy định ở mỗi nước có sự khác biệt là do sự khác nhau về lứa tuổi có các biểu hiện về già của người dân ở các nước có môi trường sống khác nhau. Những nước có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt thì tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao, các biểu hiện của tuổi già thường đến muộn hơn.

Thực hiện Công văn số 1125/CDS-TTGD ngày 16/10/2024 của Cục Dân số - Bộ Y tế về việc tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về người cao tuổi năm 2024; các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về người cao tuổi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao trên các kênh truyền thông, mang lại hiệu ứng tích cực từ cộng đồng đối với công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ người cao tuổi.

Ở Việt Nam, NCT là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là giường cột của gia đình và xã hội Việt Nam. Chủ đề của Tháng hành động vì NCT năm 2024 "Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi" có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hoá dân số rất nhanh, NCT ngày càng đông và là lực lượng cần được tích cực phát huy, đồng thời còn một bộ phận NCT đang đứng trước những tác động rủi ro của thiên tai, của tuổi già không còn khả năng lao động, không có tích lũy, ốm đau, bệnh tật kéo dài, không nơi nương tựa, không bảo hiểm y tế, thậm chí bị bạo hành, ngược đãi… cần lắm sự chia sẽ chăm sóc của cộng đồng. Để chăm sóc NCT tốt hơn, phát huy hơn nữa vai trò của NCT, coi NCT là "nguồn lực" quý, mỗi cá nhân phải chung tay, tích cực, có nhiều hành động cụ thể, thiết thực chăm lo cho NCT, phát động toàn thể cộng đồng nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT và hưởng ứng Lễ phát động "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam" với chủ đề "Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT".

Quyền và nghĩa vụ của NCT: Người cao tuổi có các quyền sau đây:

- Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ;

- Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn;

- Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi;

- Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi; 

- Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp;

- Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;

- Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Người cao tuổi có các nghĩa vụ sau đây:

- Nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

- Truyền đạt kinh nghiệm quý cho thế hệ sau;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Hiện nay người cao tuổi thường giữ vai trò quan trọng trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở: Tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận. người cao tuổi còn là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động xã hội như phong trào xây dựng khu dân cư văn hoá, tổ chức hoà giải, tổ chức khuyến học, khuyến tài… của địa phương, của dòng họ. Đóng góp về lao động của người cao tuổi cho gia đình và xã hội là vô cùng to lớn nhất là của các cụ bà, như trông cháu, nội trợ trong mô hình gia đình truyền thống Việt Nam, những đóng góp này chưa được xã hội chính thức ghi nhận, đánh giá đúng mức. Như vậy người cao tuổi không những giải quyết được các vấn đề của bản thân mà còn có thể góp sức vào sự phát triển của gia đình và xã hội. Nếu không nhận thức và khai thác những kiến thức và kinh nghiệm của người cao tuổi là sự lãng phí rất lớn của xã hội, con cháu cũng mất đi nét đẹp truyền thống kính hiếu ông bà tổ tiên, cuộc sống vui vầy sung túc./.

Bác sĩ Phước Nhường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết