Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trẻ sinh non và chăm sóc trẻ sinh non

Sinh non là sinh trước 37 tuần tuổi thai. Sinh non là nguyên nhân mắc bệnh, tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Hậu quả lâu dài của trẻ sinh non là chậm phát triển thể chất và trí não, giảm khả năng học tập và làm việc sau này. Tuy nhiên, không phải trẻ sinh non nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng về sau này, còn tùy thuộc và cách chăm sóc, dinh dưỡng, gần gũi yêu thương giúp trẻ trưởng thành.

Sinh non là sinh trước 37 tuần tuổi thai. Sinh non là nguyên nhân mắc bệnh, tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Hậu quả lâu dài của trẻ sinh non là chậm phát triển thể chất và trí não, giảm khả năng học tập và làm việc sau này. Tuy nhiên, không phải trẻ sinh non nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng về sau này, còn tùy thuộc và cách chăm sóc, dinh dưỡng, gần gũi yêu thương giúp trẻ trưởng thành.

Hằng năm Việt Nam có khoảng hơn 100.000 trẻ sinh thiếu tháng và đang là gánh nặng về bệnh tật, tử vong ở trẻ em. Vì vậy dự phòng giảm nguy cơ sinh non thực sự cần thiết và cần được ưu tiên trong các chiến lược về chăm sóc sức khoẻ con người.

Các biện pháp chăm sóc bà mẹ mang thai dự phòng sinh non: Các biện pháp dự phòng không hoàn toàn phòng được sinh non nhưng có thể giảm nguy cơ đáng kể số bà mẹ có nguy cơ sinh non. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và người sử dụng dịch vụ:

- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được chăm sóc trước khi mang thai bao gồm sàng lọc, tư vấn các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh đẻ, khám thai định kỳ đúng chuyên khoa, làm các xét nghiệm cận lâm sàng tầm soát nguy cơ bất thường, dị tật.

- Phụ nữ có nguy cơ sinh non cần được tiếp cận chăm sóc và điều trị ở các cơ sở chuyên khoa phòng sinh non.

- Phụ nữ nên sinh con theo kế hoạch, bảo đảm theo khuyến cáo của ngành y tế (không sinh con ở tuổi vị thành niên, khoảng cách giữa 2 lần sinh không quá dày)

- Chăm sóc thai nghén: Tuân thủ hướng dẫn khám thai và đặc biệt lưu ý bổ sung dinh dưỡng, tránh các chất kích thích, tránh stress, tạo tâm lý thoải mái.

Chăm sóc trẻ sinh non tại cơ sở y tế:

- Chăm sóc trẻ sinh non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangagoo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 2175/QĐ-BYT ngày 25/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, da kề da, cho trẻ bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

- Theo dõi sức khỏe của trẻ, giữ ấm cho trẻ tránh hạ thân nhiệt, khám và chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Đối với trẻ quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc, theo dõi, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế.

Vệ sinh chăm sóc trẻ tại nhà:

- Người chăm sóc cần lưu ý, rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn trước khi chăm sóc trẻ. Những người bị bệnh đường hô hấp hoặc cúm không tiếp xúc và chăm sóc trẻ, không hút thuốc lá gần trẻ.

- Thay quần, áo cho trẻ mỗi ngày, khi quần áo hay khăn tã ướt thì phải thay ngay. Tắm cho trẻ mỗi ngày với nước đun sôi để đủ ấm khoảng 37 độ, tránh gió lùa khi đang tắm...

- Theo dõi tránh tình trạng trẻ bị trào ngược dạ dày: trẻ non tháng dễ bị trớ hoặc trào ngược dạ dày. Nôn trớ khi có 1 ít sữa trào ra ở khóe miệng sau mỗi lần bú, đây là hiện tượng bình thường, có thể bế đầu trẻ cao khi bú để hạn chế tình trạng này. Còn trào ngược dạ dày thực quản là khi trẻ bị nôn ọc nhiều lần trong ngày, đây là hiện tượng bệnh lý nguy cơ viêm phổi. Trào ngược dạ dày thực quản có thể khiến trẻ chậm lên cân hoặc không tăng cân, dễ bị viêm phổi tái diễn, quấy khóc vặn mình thường xuyên về đêm. Cha mẹ cần đưa trẻ tới bác sĩ nhi khoa theo dõi và điều trị tích cực.

- Nên dùng sữa mẹ trong mọi trường hợp, nếu mẹ không có sữa hoặc ít sữa, phải cho trẻ dùng sữa ngoài thì cần xem trẻ có bị dị ứng sữa không, có bị rối loạn tiêu hóa không...

- Ghi chép lịch tiêm chủng phòng bệnh vào sổ: Mũi tiêm phòng đầu tiên cho trẻ là lao và viêm gan siêu vi B, ở trẻ non tháng có cân nặng > 2.000g sẽ được tiêm phòng ngay khi xuất viện hoặc lúc bắt đầu 2 tháng tuổi. Còn trẻ cân nặng nhỏ hơn 2.000g sẽ được tiêm phòng lúc 2 tháng tuổi. Các mũi tiêm chủng tiếp theo thực hiện theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (khi trẻ đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe và không có chống chỉ định)

Chế độ ngủ của bé: Trẻ cần được ngủ ngon và yên tĩnh, mỗi ngày từ 16 - 20 giờ để não tăng trưởng. Nếu trẻ ngủ quá lâu, quá 4 giờ cho một giấc ngủ thì cần đánh thức bé dậy và cho bé bú sữa.

- Trẻ sinh non không nên nằm sấp mà cần nằm ngửa khi ngủ.

- Không mặc quá nhiều đồ hoặc sử dụng quần áo quá chật dành cho bé.

Vệ sinh và massage cho trẻ sinh non: Khi chăm sóc trẻ sinh non, cần đảm bảo tối đa các quá trình vệ sinh cá nhân cho bé. Trong đó, bé sinh non cần được tắm ít nhất từ 3 - 4 lần/tuần với nước sạch ấm và khăn mềm, không nên tắm quá nhiều vì có thể khiến da trẻ bị khô, có thể sử dụng sữa tắm có độ PH trung tính dành riêng cho trẻ sơ sinh, đừng quên trò chuyện với bé, bởi điều này giúp bé có giấc ngủ ngon hơn và có điều kiện phát triển tâm lý, thể chất tốt hơn,

Dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đi cơ sở y tế khám:

Trẻ sinh non có những dấu hiệu nguy hiểm sau, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt:

- Vàng da nhiều tăng nhanh

- Ngủ nhiều khó thức dậy

- Bé bú kém, khó thở, xanh tái.

- Sốt hoặc hạ thân nhiệt,

- Không tiểu > 12 giờ, không đại tiện > 4 ngày hoặc tiêu phân đen, có máu...

Ngày Thế Giới Vì Trẻ Sinh Non là dịp để cộng đồng cùng nhau đồng hành, chia sẻ và động viên những bậc cha mẹ đang trên hành trình nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sinh non. Mỗi trẻ sinh non là một câu chuyện đầy nghị lực, và với sự yêu thương, chăm sóc đúng cách, các bé sẽ có thể lớn lên khỏe mạnh, trưởng thành và phát triển toàn diện. Hãy cùng hành động để bảo vệ và chăm sóc tốt nhất cho các thiên thần nhỏ, vì mỗi em bé đều xứng đáng có một khởi đầu an toàn và khỏe mạnh./.

Bác sĩ Phước Nhường

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết