Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HÃY PHÒNG TRÁNH LÂY LAN BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Các trường hợp đau mắt đỏ do vi rút thường có các triệu chứng: đỏ, ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác có sạn ở trong mắt; rỉ dịch ở một hoặc hai mắt; chảy nước mắt, đổ ghèn trong, sưng phù mi, khi thức dậy mắt bị dính chặt lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua nhiều đường: do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi... hoặc lây qua tay của người đã mắc bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đau mắt đỏ, để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu khuyến cáo:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng;  không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; người có dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

6. Đối với cơ sở giáo dục, khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,...cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ nhiệm để quản lý.

- Trong trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh; thông báo cho Trung tâm Y tế và Trạm Y tế để phối hợp xử lý

- Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho Giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh. Cơ sở giáo dục thông báo cho phụ huynh của học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học không đến trường đến khi hết bệnh.

“VÌ MỘT ĐÔI MẮT KHỎE MẠNH HÃY CÙNG CHUNG TAY PHÒNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ”

 

TÚ EM


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết