Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều cần biết về bệnh Sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính đã có vắc xin phòng bệnh, được phân loại thuộc nhóm B. Bệnh dễ lây và có thể gây bệnh nặng thậm chí tử vong.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính đã có vắc xin phòng bệnh, được phân loại thuộc nhóm B. Bệnh dễ lây và có thể gây bệnh nặng thậm chí tử vong.

1. Bệnh Sởi là gì?

Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do vi rút Sởi gây ra. Sởi là bệnh đã có vắc xin phòng ngừa.

2. Ai có thể mắc bệnh Sởi ?

Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

3. Bệnh Sởi có nguy hiểm không?

Bệnh Sởi nguy hiểm nhất đối với trẻ em nhất là trẻ nhỏ, trẻ có bệnh lý nền. Bệnh Sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy gây nên bởi vi khuẩn gây bệnh khác. Bệnh dễ lây và có thể gây bệnh nặng thậm chí tử vong.

4. Bệnh Sởi có điều trị được không?

Bệnh Sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị hiện nay chủ yếu là giải quyết các triệu chứng bệnh và các biến chứng nếu có. Tiêm Vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.

5. Bệnh Sởi lây thế nào?

Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng của bệnh nhân. Ngoài ra bệnh có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch Sởi.

6. Vì sao cần phải tiêm vắc xin Sởi?

Bệnh Sởi rất dễ lây. Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%. Do đó, tiêm vắc xin Sởi đúng liều và đủ lịch là rất quan trọng.

Vì vậy để phòng chống bệnh Sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin Sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh Sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

TÚ EM


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết