Nhằm hưởng ứng ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới năm 2024 với chủ đề "Sức khỏe của tôi, quyền của tôi" (My health, my right) được chọn nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của mọi người được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin có chất lượng, điều kiện môi trường làm việc tốt và đặc biệt là không bị phân biệt đối xử.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2021, có ít nhất 4,5 tỷ người (hơn một nửa dân số thế giới) không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu. Quyền con người về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe về thể chất và tinh thần được quy định trong một số văn kiện pháp lý quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm các quyền tự do và quyền lợi. Các quyền tự do bao gồm quyền kiểm soát sức khỏe và cơ thể của một người và không bị can thiệp. Các quyền lợi bao gồm quyền tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Theo thống kê, hiện nay có ít nhất 140 quốc gia công nhận sức khỏe là quyền con người trong hiến pháp trong đó có Việt Nam. Có tới hơn 100 triệu người bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Chỉ riêng rối loạn trầm cảm là nguyên nhân gây ra 5,73% gánh nặng bệnh tật ở khu vực này. Tại Việt Nam theo Điều 20. Hiến pháp Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm. Điều đó cho thấy quyền được chăm sóc sức khỏe là nhu cầu thiết yếu và được pháp luật bảo vệ. Hơn thế nữa quyền được chăm sóc sức khỏe tâm thần càng phải được chú trọng vì sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.
Tại tỉnh Bạc Liêu, Chương trình Bảo vệ sưc khỏe Tâm thần cộng đồng đã triển khai 64/64 xã quản lý bệnh tâm thần phân liệt, động kinh đạt tỷ lệ 100%; 31/64 xã quản lý bệnh trầm cảm (đạt 48,4%); mạng lưới bảo vệ sức khoẻ tâm thần được tiếp tục duy trì hoạt động tại các xã, phường, thị trấn và các Trung tâm y tế huyện, tỉnh. Mạng lưới chăm sóc sức khoẻ tâm thần được bao phủ, có thể chủ động phát hiện bệnh nhân mới và thu dung đưa vào quản lý, chăm sóc, cấp phát thuốc, điều trị và phục hồi chức năng tâm lý, xã hội cho bệnh nhân tâm thần. Hiện đang quản lý tại cộng đồng là 2.369 bệnh (Tâm thần phân liệt: 595 bệnh; Động kinh: 1.339 bệnh; Trầm cảm: 435 bệnh). Tại tuyến tỉnh Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần đã đi vào hoạt động từ năm 2021 đến nay và đã tiếp nhận nhiều lượt bệnh nhân đến khám cũng như nằm điều trị. Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2024, Bệnh viện chuyên khoa tâm thần đã tiếp nhận 6.431 lượt khám bệnh, trong đó điều trị nội trú 237 lượt.
Thực hiện Công văn 673/SYT-TCHC ngày 23/4/2024 của Sở Y tế Bạc Liêu về việc phối hợp thực hiện Chuyên mục sức khỏe, xây dựng các phóng sự hoạt động ngành y tế; thực hiện Kế hoạch số 08/KH-BV ngày 04/3/2024 của Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần; Kế hoạch số 129/KH-KSBT ngày 12/8/2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu về Chuyên mục sức khỏe Hưởng ứng ngày Tâm thần Thế giới 10/10/2024 “Sức khỏe của tôi, quyền của tôi” phát trên Đài phát thanh – Truyền hình vào tháng 9/2024 nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sức khỏe tâm thần và công tác chăm sóc, quản lý, điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần thông qua các nội dung tuyên truyền, giáo dục trong phỏng vấn thực hiện chuyên mục sức khỏe; tăng cường phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần tại cộng đồng nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Chủ động phát hiện sớm và phòng tránh bệnh tâm thần: mỗi chúng ta cần phòng, chống các nguyên nhân gây tổn thương tổ chức não như các bệnh viêm não, màng não, nhiễm độc thần kinh như: nhiễm độc rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp; bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông để tránh chấn thương sọ não; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có tinh thần thoải mái, lạc quan, hòa thuận trong mối quan hệ với mọi người trong gia đình và cộng đồng, tránh stress… Làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục, giữ gìn vệ sinh để tăng cường sức khoẻ. Gia đình và người thân cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời, theo đúng phương pháp khoa học tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa tâm thần./.
Bác sĩ. PHƯỚC NHƯỜNG