Các hoạt động trọng tâm tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Người mẹ nhiễm HIV có thể lây truyền vi rút HIV sang con trong thời kỳ mang thai, khi sinh và khi cho con bú. Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba đường lây truyền của HIV cực kỳ quan trọng, thường gặp và cần được kiểm soát tốt để phòng ngừa hiệu quả.
Người mẹ nhiễm HIV có thể lây truyền vi rút HIV sang con trong thời kỳ mang thai, khi sinh và khi cho con bú. Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba đường lây truyền của HIV cực kỳ quan trọng, thường gặp và cần được kiểm soát tốt để phòng ngừa hiệu quả. Nếu được can thiệp sớm, chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp thì mỗi năm tại Việt Nam sẽ có hàng ngàn trẻ sinh ra được cứu thoát khỏi HIV, phòng ngừa được lây truyền HIV từ mẹ sang con, bảo vệ trẻ tránh khỏi căn bệnh thế kỷ.
Căn cứ Công văn số 2562/BYT-AIDS ngày 15/5/2024 của Bộ Y tế về việc triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024; căn cứ Công văn số 1913/UBND-KGVX ngày 23/5/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc triển khai tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024; Kế hoạch số 43/KH-SYT ngày 08/4/2024 của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu về hạot động phòng, chống HIV/AIDs tỉnh Bạc Liêu năm 2024; thực hiện Kế hoạch số 54/KH-SYT ngày 30/5/2024 của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu về thực hiện Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024; Thực hiện Kế hoạch số 82/KH-KSBT ngày 30/5/2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu về Truyền thông Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024, với mục đích thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi, tạo sự quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về HIV/AIDS.
Vi rút HIV và hành trình chiến đấu chống lại căn bệnh HIV/AIDS:
HIV là loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Người nhiễm HIV dễ mắc các bệnh cơ hội như: Lao, nấm, tiêu chảy nhiễm trùng, viêm phổi, ung thư… và tử vong vì những bệnh mắc phải đó.
HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, qua đường máu (tiêm chích không đảm bảo hay dùng chung kim tiêm) hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú. Ngoài các đường lây truyền trên, HIV có thể lây qua các đường không thể ngờ tới như: Hôn sâu khi có tổn thương niêm mạc miệng, lợi hay sâu răng chảy máu; tiếp xúc tình cờ trực tiếp với máu hay dịch tiết người nhiễm HIV; quan hệ đường miệng; dùng chung bơm kim tiêm; bị người nhiễm HIV cào cấu chảy máu; tiếp xúc với máu người nhiễm HIV qua vết thương hở hay niêm mạc…
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là thuật ngữ chỉ sự lây truyền HIV từ người phụ nữ đã nhiễm HIV sang con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc cho con bú qua đường sữa mẹ, còn được gọi là lây truyền HIV chu sinh. Sự lây HIV từ mẹ sang con có thể ngăn ngừa được, rất nhiều bằng chứng đã cho thấy việc sử dụng thuốc điều trị HIV kết hợp với các chiến lược khác đã giúp giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con xuống dưới 1%. Các bà mẹ chuẩn bị mang thai, đang có thai nên đến các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm tầm soát. Cán bộ y tế sẽ hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con:
Lây truyền HIV từ mẹ sang con chủ yếu qua bánh nhau khi đang mang thai, qua máu và dịch âm đạo khi chuyển dạ sinh, qua sữa khi cho con bú. Khả năng người mẹ bị nhiễm HIV có thai có thể truyền HIV cho con là 20-30% (nếu không được áp dụng các biện pháp phòng ngừa). Phụ nữ bị nhiễm HIV nếu có thai sẽ bị biến chuyển thành bệnh AIDS nhanh hơn những người khác. Để phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần biết:
- Nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV để áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, thực hiện các hành vi an toàn.
- Trước khi kết hôn, trước khi định có thai nên đi xét nghiệm HIV để được cán bộ y tế tư vấn.
- Khi đã bị nhiễm HIV, tốt nhất không nên có thai; nếu đã có thai nên đi phá thai sớm. Nếu vẫn quyết định sinh con, bà mẹ nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn sâu hơn và xem xét khả năng sử dụng một số thuốc làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Phụ nữ dương tính với HIV vẫn có thai kỳ khỏe mạnh và ngăn ngừa con sinh ra bị nhiễm HIV nếu được điều trị kháng retrovirus. Quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến việc phụ nữ bị nhiễm HIV và mang thai, liệu pháp điều trị kháng retrovirus được thực hiện trong suốt thai kỳ để đảm bảo em bé phát triển khỏe mạnh và không bị lây nhiễm HIV khi bé được sinh ra. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được thực hiện với tất cả các sản phụ ngay từ lần khám thai đầu tiên, khi chưa rõ là có nhiễm HIV hay không. Đối với người phát hiện có nhiễm HIV, việc dùng thuốc kháng vi rút đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ, quá trình chuyển dạ và nuôi con, sau đó phối hợp thêm các biện pháp khác nhằm hạn chế khả năng lây truyền ở mức thấp nhất. Các cơ sở y tế chuyên sâu về phòng chống HIV/AIDS: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Khoa sản Bệnh viện tỉnh, Khoa sản các Trung tâm y tế.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn chuyển dạ sinh con:
Phụ nữ đã phát hiện nhiễm HIV và đã dùng thuốc điều trị HIV vẫn cần tiếp tục phác đồ trong giai đoạn chuyển dạ sinh con. Thai nhi hoàn toàn không thể tránh khỏi nguy cơ tiếp xúc với HIV trong máu, dịch tiết của mẹ trong quá trình sinh đẻ. Chính vì thế, việc tiếp tục dùng các loại thuốc chống HIV sẽ duy trì được tải lượng siêu vi trong cơ thể mẹ ở mức thấp nhất, giảm thiểu nguy cơ ngăn ngừa lây HIV từ mẹ sang con, đặc biệt là lúc gần sinh. Người phụ nữ đã dùng thuốc điều trị HIV trong suốt thai kỳ thì khi chuyển dạ vẫn nên tiếp tục dùng thuốc điều trị HIV theo lịch. Đối với phụ nữ có tải lượng vi rút cao (hơn 1.000 bản sao vi rút/mL máu) hoặc tải lượng vi rút không xác định, khi đến gần thời điểm sinh nở sẽ được chỉ định thêm một loại thuốc ức chế HIV gọi là Zidovudine qua tiêm truyền tĩnh mạch. Zidovudine dễ dàng di chuyển từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai, bảo vệ trẻ khỏi bất kỳ lây nhiễm HIV nào truyền từ mẹ sang con trong khi sinh. Sử dụng Zidovudine trong khi sinh được xem là có vai trò ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con, ngay cả ở những phụ nữ có tải lượng vi rút cao gần thời điểm sinh nở.
Việc sinh mổ theo lịch trình cũng có thể làm giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con ở những phụ nữ có tải lượng vi rút cao (hơn 1.000 bản sao vi rút/mL máu) hoặc tải lượng vi rút không xác định gần thời điểm chuyển dạ. Theo đó, sinh mổ với mục đích này sẽ được lên kế hoạch vào tuần thứ 38 của thai kỳ.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn sau sinh:
Sau khi sinh con, các em bé sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV cần được dùng thuốc điều trị HIV càng sớm càng tốt để ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con sau sinh. Trong trường hợp này dùng thuốc Zidovudine và được chỉ định trong vòng 6 - 12 giờ sau khi sinh và kéo dài trong 4 - 6 tuần sau đó. Trong một số trường hợp nhất định, Bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc điều trị HIV khác ngoài Zidovudine. Thuốc chống HIV có vai trò bảo vệ em bé khỏi bị nhiễm bất kỳ HIV nào có thể truyền từ mẹ sang con sau khi sinh. Khi kết thúc phác đồ 4-6 tuần Zidovudine, tiếp tục dùng Sulfamethoxazole/trimethoprim, giúp ngăn ngừa viêm phổi do Pneumocystis jirovecii. Đây là một loại viêm phổi có thể phát triển ở những người nhiễm HIV. Sau thời gian này, nếu xét nghiệm HIV cho thấy bé không bị nhiễm HIV, sẽ không cần dùng thuốc tiếp tục.
Bản thân người phụ nữ nhiễm HIV vẫn cần tiếp tục dùng thuốc điều trị HIV sau khi sinh con. Việc tuân thủ sử dụng thuốc điều trị HIV suốt đời sẽ không chỉ ngăn ngừa HIV tiến tới AIDS cho bản thân họ và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người xung quanh, nhất là trong quá trình chăm sóc con nhỏ, thậm chí là cho lần mang thai tiếp theo./.
Bác sĩ Phước Nhường