Phòng chống bệnh sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng: Vai trò quan trọng của cộng tác viên y tế và quyết tâm của mỗi người dân.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, tính từ đầu năm đến nay (28/4/2024) ghi nhận 89 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 178 ca so với cùng kỳ năm 2023 (267 ca). Trong đó, số mắc tập trung tại huyện Hồng Dân cao nhất (46 ca); Tp. Bạc Liêu (11 ca); ghi nhận 03 ca SXH nặng, giảm 10 ca so với cùng kỳ (13 ca) và không có ca sốt xuất huyết tử vong. Toàn tỉnh từ đầu năm đến nay ghi nhận 69 ổ dịch (OD) SXH, giảm 105 OD so với cùng kỳ năm 2023 (174 OD). Trong đó, số OD ghi nhận nhiều nhất tại huyện Hồng Dân (37 OD). Dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm, tuy nhiên có thể bùng phát trên diện rộng, nhất là ở địa phương có số ca mắc cao, nên cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, tính từ đầu năm đến nay (28/4/2024) ghi nhận 89 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 178 ca so với cùng kỳ năm 2023 (267 ca). Trong đó, số mắc tập trung tại huyện Hồng Dân cao nhất (46 ca); Tp. Bạc Liêu (11 ca); ghi nhận 03 ca SXH nặng, giảm 10 ca so với cùng kỳ (13 ca) và không có ca sốt xuất huyết tử vong. Toàn tỉnh từ đầu năm đến nay ghi nhận 69 ổ dịch (OD) SXH, giảm 105 OD so với cùng kỳ năm 2023 (174 OD). Trong đó, số OD ghi nhận nhiều nhất tại huyện Hồng Dân (37 OD). Dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm, tuy nhiên có thể bùng phát trên diện rộng, nhất là ở địa phương có số ca mắc cao, nên cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra, lây lan thông qua loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền vi rút sang người lành khi muỗi đốt. Bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên không được chủ quan mà cần phải có biện pháp phòng ngừa, theo dõi và chẩn đoán sớm để có cách điều trị kịp thời. Cuối những tháng nắng nóng, đầu mùa mưa bắt đầu là thời điểm muỗi sinh sôi phát triển mạnh là nguyên nhân chính gây bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết. Dịch sốt xuất huyết có xu hướng diễn biến theo mùa, với tốc độ lây truyền thường cao nhất đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tình hình sốt xuất huyết bao gồm mật độ quần thể muỗi, tính nhạy cảm với các kiểu huyết thanh lưu hành, nhiệt độ, lượng mưa và độ ẩm, tất cả đều ảnh hưởng đến quá trình sinh sản và kiếm ăn của quần thể muỗi, cũng như thời kỳ ủ bệnh của vi rút sốt xuất huyết.
Để tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, Sở Y tế Bạc Liêu chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để ứng phó với dịch bệnh. Trong đó, tập trung công tác giám sát, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch tại các địa phương. Tại các huyện, thành phố chủ động phát động và ra quân sớm tháng cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết cùng với sự tham gia của các Ban, ngành đoàn thể, chính quyền địa phương. Tại các xã, phường, thị trấn có kế hoạch chuẩn bị ra quân cao điểm tuyên truyền, đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi, phát huy các nguồn lực, nhất là vai trò của cộng tác viên y tế đến từng hộ dân, từng mảnh vườn, thu dẹp vệ sinh rác thải, thu dọn vật chứa nước, diệt lăng quăng, diệt muỗi. Với mục tiêu 100% hộ dân được kiểm tra và tham gia diệt lăng quăng, diệt muỗi hàng tuần. Mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện tốt các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi, từ đó vận động người dân làm theo.
Bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, ngành Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
4. Ngủ mùng phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
5. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nặng cần phải đặc biệt quan tâm:
- Bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì
- Nôn nhiều
- Đau bụng hoặc tăng cảm giác đau
- Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn
- Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, máu cam...
Khi đến BV, BS sẽ đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa gồm: phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm.
Hãy chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết ngay từ bây giờ./.
Bác sĩ Phước Nhường