Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống bệnh tay – chân – miệng

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) được phát hiện trên thế giới từ năm 1969, sau đó liên tục được ghi nhận ở các quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương với chu kỳ 2-3 năm có một đợt bùng phát dịch. Tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng trên thế giới và Việt Nam trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, xu hướng tăng cao do môi trường tiếp xúc gần gũi và vệ sinh chưa thật sự tốt.

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) được phát hiện trên thế giới từ năm 1969, sau đó liên tục được ghi nhận ở các quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương với chu kỳ 2-3 năm có một đợt bùng phát dịch. Tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng trên thế giới và Việt Nam trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, xu hướng tăng cao do môi trường tiếp xúc gần gũi và vệ sinh chưa thật sự tốt.

Tại tỉnh Bạc Liêu, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Trong tuần 17 (22/4 – 28/4) bệnh TCM ghi nhận 19 ca mắc mới, tăng 05 ca so với tuần trước (14/TS 265), tăng 12 ca so với cùng kỳ 2023 (07/TS 131 ca); ghi nhận 01 ổ dịch (OD), tăng 01 OD so với tuần trước, tăng 01 OD so với cùng kỳ (00/04 OD). Tổng số hiện có 01/12 ổ dịch. Tính từ đầu năm 2024 đến nay: bệnh TCM ghi nhận 284 ca mắc mới, tăng 153 ca so với cùng kỳ năm 2023 (131 ca). Tính từ đầu năm đến nay số mắc cao tập trung tại huyện Phước Long (53 ca), huyện Đông Hải (52 ca); ghi nhận 12 ổ dịch TCM, tăng 0 OD so với cùng kỳ năm 2023 (04 OD).

Bệnh  tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em.  Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Có nhiều type virus gây bệnh, trong đó tỷ lệ virus EV71 lưu hành cao, đối tượng cảm nhiễm lớn, chưa đánh giá được miễn dịch của cộng đồng; tỷ lệ người lành mang trùng cao tới 71% trong các ổ dịch.

Triệu chứng chính của bệnh TCM:

Sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng. Sau đó xuất hiện các bọng (bóng) nước ở da (lòng bàn tay, bàn chân. . .) và trong miệng. Bọng (bóng) nước ban đầu là những chấm đỏ, xuất hiện 1-2 ngày sau khi sốt, tiến triển thành bọng (bóng) nước và vỡ ra thành vết loét.

Đường lây của bệnh:  Bệnh lây qua đường tiêu hóa do tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh

Qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, bóng nước bị vỡ

Qua tiếp xúc trực tiếp giữa các trẻ với nhau hoặc tiếp xúc với đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà bị nhiễm virus

Qua đường tiêu hóa do ăn uống phải thực phẩm bị nhiễm virus

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng ngừa nhưng có thể phòng được bằng các biện pháp thông thường theo khuyến cáo của ngành Y tế.

6 khuyến cáo của Bộ Y tế phòng bệnh tay – chân – miệng:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Quản lý phân: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác để cắt đứt nguồn lây bệnh./.

Bác sĩ Phước Nhường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết