Tin hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập huấn triển khai thường quy xét nghiệm Xpert MTB/RIF Ultra với mẫu phân.

Thực hiện công văn số 1680/BVPTƯ/DAPCL ngày 16/7/2021 của Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG), Bệnh viện Phổi trung ương về việc triển khai thường quy xét nghiệm Xpert MTB/RIF (Ultra) với mẫu phân. Trong khuôn khổ dự án Quỹ Toàn cầu năm 2021-2022, ngày 21/6/2022, Văn phòng Hội chống lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV) phối hợp với CTCLQG và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu tổ chức tập huấn triển khai xét nghiệm Xpert MTB/RIF Ultra với mẫu phân tại Bạc Liêu. Dự khai giảng lớp tập huấn có: Ông Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu; TS. Nguyễn Thiên Hương, Trưởng Đại diện Tổ chức Hội chống lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV) và các thành viên trong đoàn; gần 70 học viên là cán bộ, Y, Bác sĩ phụ trách chương trình lao, khám và điều trị HIV, bệnh lao, bệnh nhi của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Ông Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu dự và phát biểu tại lớp tập huấn.

Bệnh lao hiện nay vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cộng đồng ở nước ta cũng như trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng lao cao trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG), tỷ lệ lao trẻ em ở Việt Nam có thể chiếm 10-11% trong số bệnh nhân lao mới xuất hiện hàng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ lao trẻ em được đăng ký điều trị trong những năm gần đây là khoảng từ 1đến 2%. Như vậy Việt Nam mới chỉ phát hiện được khoảng 10% số trẻ mắc lao mới xuất hiện hàng năm.

Chẩn đoán lao phổi cho trẻ em trên thế giới và Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, các phương pháp hiện tại được sử dụng để chẩn đoán bệnh lao ở trẻ em phụ thuộc vào sự sẳn có của mẫu bệnh phẩm đờm. Tuy nhiên, đối với trẻ em việc lấy mẫu bệnh phẩm làm các xét nghiệm chẩn đoán không dễ dàng, thường yêu cầu bệnh nhi phải nhập viện để lấy dịch dạ dày. Thủ thuật này gây đau đớn và có thể tổn thương cho trẻ em, cha mẹ và cả nhân viên y tế và thủ thuật này thường chỉ được thực hiện khi trẻ bệnh nặng.

Các học viên dự tập huấn.

Xét nghiệm Xpert MTB/RIF hiện đang được thực hiện rộng rãi tại tuyến tỉnh và huyện trong khi thủ thuật hút dịch dạ dày chỉ tập trung ở tuyến trung ương và một số ít bệnh viện lao và bệnh phổi trong cả nước. Đây là lý do vì sao rất nhiều trẻ em không được chẩn đoán hoặc bệnh lao được phát hiện ở giai đoạn rất muộn, đôi khi quá muộn để cứu sống đứa trẻ.

Tháng 01/2020, TCYTTG khuyến cáo sử dụng Xpert MTB/RIF với mẫu phân như là xét nghiệm chẩn đoán đầu tiên để phát hiện bệnh lao và kháng rifampicin (RIF) ở trẻ em có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao phổi. Việc lấy mẫu bệnh phẩm là dễ dàng và không gây đau đớn cho trẻ. Cũng giống như xét nghiệm đờm, xét nghiệm với mẫu phân có thể phát hiện trẻ có bị lao hay không. Hơn nữa, xét nghiệm này cũng có thể phát hiện bệnh lao đa kháng thuốc. Với độ nhạy và độ đặc hiệu cao khi so sánh với xét nghiệm trên mẫu đờm, mẫu phân có thể được sử dụng thay thế cho mẫu đờm để chẩn đoán bệnh lao ở người nhiễm HIV.

TS. Nguyễn Thiên Hương, Trưởng Đại diện Tổ chức Hội chống lao Hoàng gia Hà Lan hướng dẫn các nội dung tập huấn đến các đại biểu.

Tham gia lớp tập huấn, các học viên đã được hướng dẫn các nội dung: Kế hoạch triển khai thường quy xét nghiệm Xpert MTB/RIF Ultra với mẫu phân (Giới thiệu phương pháp xử lý mẫu phân đơn giản một bước, cập nhật xét nghiệm GeneXpert,…); hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm phân; chẩn đoán phát hiện bệnh lao ở trẻ em…

Qua lớp tập huấn, các học viên được cung cấp các hướng dẫn, quy định của CTCLQG trong thực hiện thường quy xét nghiệm Xpert MTB/RIF với mẫu phân xử lý theo phương pháp đơn giản một bước cho trẻ em và người có HIV nghi ngờ mắc bệnh lao phổi, hướng tới mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2030, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cần triển khai và mở rộng phương pháp xét nghiệm Xpert MTB/RIF (Ultra) một cách thường quy với mẫu phân nhằm tăng cường phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và quản lý điều trị bệnh lao, lao kháng thuốc cho trẻ em và người nhiễm HIV./.

Lâm Anh Khoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết