Tin hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, PHCN và tự chăm sóc một số bệnh có liên quan sau mắc COVID-19.

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới hiện đang có những diễn biến phức tạp ở một số quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên. Tại Việt Nam tình hình dịch đã có những diễn biến khả quan với số mắc được ghi nhận hàng ngày thấp, trong nhiều ngày qua không có ca tử vong, tuy nhiên vấn đề sức khỏe sau mắc COVID-19 xảy ra với tỷ lệ khá cao cần được chăm sóc điều trị, phục hồi chức năng phù hợp. Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều văn bản, hướng dẫn và chỉ đạo về công tác chăm sóc điều trị, phục hồi chức năng (PHCN) sau mắc COVID-19. Chiều ngày 31/5/2022, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tập huấn trực tuyến Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, PHCN và tự chăm sóc một số bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 thông qua ứng dụng ZOOM. Dự tập huấn tại Hội trường Bệnh viện E có PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bệnh viện E , đại diện Cục YTDP, QLMTYT, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Cục YDCT, TT TĐKT, Hội PHCN Việt Nam,... Tại điểm cầu 63 tỉnh/thành phố có lãnh đạo và chuyên viên Phòng NVY SYT các tỉnh, thành phố; đại diện các Bệnh viện, Viện có giường bệnh tuyến Trung ương khu vực Miền Trung, Miền Nam; BV PHCN, các Bệnh viện tư nhân.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế.

Tại hội nghị, các đại biểu được chuyên gia của Bộ Y tế tập huấn một số nội dung như: Tăng cường thực hiện chẩn đoán, điều trị, PHCN và hướng dẫn tự chăm sóc các vấn đề sức khỏe sau mắc COVID-19; Dấu hiệu “Báo động đỏ” và các vấn đề cần lưu ý sau mắc COVID-19; Nguyên tắc phục hồi chức năng hậu Covid- 19; Kiểm soát khó thở; Kiểm soát các vấn đề về giọng nói; Kiểm soát vấn đề liên quan nuốt sau mắc COVID-19; Hướng dẫn dinh dưỡng trong điều trị hậu COVID-19; Kiếm soát sự tập trung, trí nhớ và suy nghĩ rõ ràng; Kiểm soát căng thẳng, lo âu, trầm cảm và giấc ngủ; Kiểm soát và PHCN triệu chứng đau sau mắc COVID-19; Hội chứng mệt mỏi kéo dài, chẩn đoán, điều trị lâm sàng, chẩn đoán và điều trị hậu COVID- 19 ở cơ quan hô hấp; Lâm sàng, chẩn đoán và điều trị hậu COVID- 19 ở tim mạch; Lâm sàng, chẩn đoán và điều trị một số bệnh liên quan hậu COVID-19 ở trẻ em.

Hơn 02 năm vừa qua đại dịch COVID-19 đã diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam tình hình hết sức khó khăn và phức tạp, tạo ra nhiều thách thức lớn đối với ngành Y tế, Tổ chức Y tế thế giới phải công bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp toàn cầu. Cho đến ngày hôm nay thì trên thế giới đã có hơn 530 triệu người mắc COVID-19 hơn 6 triệu 200 người tử vong do COVID-19. Tại Việt Nam, kể từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 đến nay, chúng ta đã ghi nhận 10.580.640 ca nhiễm, 9.456.541 người khỏi bệnh, 1.081.074 bệnh nhân đang điều trị và 43.081 ca tử vong. Trong hơn 02 tháng gần đây cơ bản Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 do chúng ta đã tổ chức hiệu quả các chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Trong 7 ngày qua, tổng ca nhiễm trên cả nước giảm 2.109 giảm 24% so với cùng kỳ, tổng bệnh nhân tử vong giảm còn 3 ca giảm 70%, số người khỏi bệnh tăng 3.087 tăng 10%.

Triệu chứng sau mắc COVID-19 hiện nay xảy ra rất nhiều, rất đa dạng, để lại rất nhiều di chứng nặng nề đối với một số đối tượng người bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới và CDC Hoa Kỳ đã tổng kết hơn 200 dấu hiệu của người sau mắc COVID- 19 gọi là dấu hiệu cảnh báo cần sự trợ giúp khẩn cấp từ nhân viên y tế; ngày càng có nhiều thông tin, bằng chứng khoa học về các dấu hiệu liên quan đến COVID-19, có suy giảm chức năng ở các cơ quan, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn của cán bộ y tế, người dân biết tiếp cận, xử trí để nâng cao sức khỏe, phục hồi chức năng và trở về với công việc, đời sống thường ngày. Các triệu chứng hậu COVID-19: Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi; Mệt mỏi kéo dài; Rối loạn về trí nhớ, khả năng tập trung và giấc ngủ; Ho kéo dài; Đau ngực; Thay đổi giọng nói; Đau cơ, khớp, loạn càm; Mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác; Đau đầu, chóng mặt; Trầm cảm hoặc lo lắng; Sốt. Tình trạng cấp cứu có thể xảy ra ở giai đoạn hậu COVID-19: Thuyên tắc phổi; Nhồi máu cơ tim; Đột quỵ não; Hội chứng MIS-C; Suy hô hấp, mệt mỏi quá mức  không thể thực hiện được các bài tập PHCN; Trầm cảm có ý tưởng tự hủy hoại bản thân. Các tình trạng nặng ở bệnh nhân hậu COVID: Tình trạng tăng đông máu (Liên quan đến tăng hoạt tính antiplasmin) gặp ở BN hậu COVID -19; Sau nhiễm COVID-19 là yếu tố gây huyết khối TM sâu, thuyên tăc phổi và chảy máu; Hậu quả gây Thuyên tắc phổi, Nhồi máu cơ tim, Nhồi máu não. Yan Xie và CS khảo sát 153.760 BN sau nhiễm COVID-19 1 năm, so với hơn 5 triệu người chưa nhiễm: Nguy cơ Suy tim tăng 72%, nguy cơ Đau thắt ngực tăng 63%, nguy cơ Nhồi máu cơ tim tăng 52%.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu củng cố hệ thống khám, chữa bệnh để thực hiện công tác cấp cứu, khám chữa bệnh thường quy, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng công tác cải tiến, tăng chất lượng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc và sau mắc COVID-19 theo đúng hướng dẫn Bộ Y tế ban hành tại các công văn mà Bộ Y tế đã phổ biến cho các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và các địa phương trong thời gian qua; Song song với việc chỉ đạo khám, chữa bệnh thường quy và sau mắc COVID-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức xây dựng nhiều tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng sau mắc COVID-19 đối với cán bộ y tế và người dân.

Tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các Bộ ngành, các đơn vị trực thuộc của Bộ phải nắm được nội dung tài liệu, định hướng của Bộ Y tế hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc một số dấu hiệu sau mắc COVID-19, chỉ đạo triển khai tài liệu hướng dẫn đến người dân, để người dân phát hiện, tự chăm sóc bản thân sau mắc COVID-19 và đến cơ sở khám chữa bệnh khám khi có các dấu hiệu nguy hiểm, cần cấp cứu. Đồng thời, yêu cầu các cán bộ y tế, cơ sở y tế cập nhật các tài liệu văn bản để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chăm sóc hậu COVID-19 một cách tốt nhất, giúp Việt Nam trở về cuộc sống bình thường mới./.

Hữu Lộc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết