Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và dễ dàng bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp chủ động ngăn ngừa phòng dịch kịp thời. Bệnh bạch hầu được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao, có thể tử vong trong vòng từ 7 - 10 ngày nếu không được phát hiện xử lý điều trị kịp thời. Vì sự nguy hiểm và tính cấp bách của công tác phòng chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng đã có Công văn số: 614/DP-DT, ngày 08/7/2024 V/v chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu ở các địa phương, đặc biệt lưu ý tại Nghệ An.
Ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu:
Ngày 07/7/2024, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, em Moong Thị B. 18 tuổi, tạm trú tại thôn TT, xã HT, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong (nữ, 18 tuổi) do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, là ca bệnh đầu tiên tại địa phương trong nhiều năm trở lại đây.
Bệnh bạch hầu:
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm khuẩn bạch hầu. Trẻ từ 01 -10 tuổi chính là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn và khả năng miễn dịch thấp.
Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể, ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và người lành mang khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Vi khuẩn được thải ra từ thời kỳ khởi phát, thời kỳ lây bệnh có thể kéo dài khoảng < 2 tuần.
Các biện pháp chủ động phòng ngừa dịch bệnh:
Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ: tuyên truyền giáo dục sức khoẻ thường xuyên, liên tục cập nhật những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu cho người dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để họ phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với cán bộ y tế cho các em đi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ.
Vệ sinh phòng bệnh:
- Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc, nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu.
- Tổ chức tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu có điều kiện thì khoảng 5 năm tiến hành đánh giá tiêm chủng một lần và thực hiện phản ứng Shick để đánh giá tình trạng miễn dịch bạch hầu trong quần thể trẻ em.
Xử trí phòng chống dịch khi có ca bệnh:
- Thành lập Ban chống dịch do lãnh đạo chính quyền làm trưởng ban, lãnh đạo y tế địa phương làm phó ban thường trực và các thành viên khác có liên quan như: Y tế, Giáo dục, Công an, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ v.v... Các thành viên trong Ban chống dịch được phân công nhiệm vụ để chỉ đạo và huy động cộng đồng thực hiện tốt công tác chống dịch.
- Đối với vụ dịch nhỏ cần chuẩn bị một số giường bệnh trong một khu riêng ở khoa lây bệnh viện để cách ly và điều trị.
- Bạch hầu là một bệnh bắt buộc phải khai báo.
- Tất cả bệnh nhân viêm họng giả mạc nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly nghiêm ngặt cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần (-). Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.
+ Quản lý người lành mang vi khuẩn, người tiếp xúc: Những người tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân phải được xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Tiêm 1 liều đơn Penicillin hoặc uống Erythromycin từ 7-10 ngày cho những người đã bị phơi nhiễm với bạch hầu. Nếu xét nghiệm vi khuẩn (+) thì bn phải được điều trị kháng sinh và tạm nghỉ việc tại các trường học hoặc cơ sở chế biến thực phẩm cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn (-).
- Xử lý môi trường: Sát trùng tẩy uế đồng thời và sát trùng tẩy uế lần cuối tất cả các đồ vật có liên quan tới bệnh nhân. Tẩy uế và diệt khuẩn phòng bệnh nhân hàng ngày bằng chloramin B; bát đĩa, đũa, chăn màn, quần áo… phải được luộc sôi; sách, vở, đồ chơi v.v… phải được phơi nắng.
Chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, Cục Y tế dự phòng yêu cầu ngành Y tế các đơn vị:
- Tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân;
- Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị.
- Rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vắc xin, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất…
- Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh./.
Bác sĩ PHƯỚC NHƯỜNG