Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT

Dịch sốt xuất huyết đang xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Từ đầu năm 2021 đến nay cả nước đã có gần 60.000 người mắc bệnh, 18 người tử vong. Tại tỉnh Bạc Liêu từ đầu năm 2021 đến ngày 10/10/2021 có 506 người mắc bệnh, 00 người tử vong, trong đó các trường hợp mắc ở các huyện/thị xã/thành phố trong tỉnh như sau: thành phố Bạc Liêu: 21; Vĩnh Lợi: 17; Hòa Bình: 11; Phước Long: 35; Hồng dân: 21; thị xã Giá Rai: 81; riêng Đông Hải chiếm số trường hợp cao nhất là 320 người mắc.

Bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hãy lưu ý các thông tin hữu ích về bệnh sốt xuất huyết để phòng, chống bệnh được tốt hơn.

1. Không có muỗi vằn không có sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Muỗi vằn đốt người bệnh và nhiễm virus, rồi truyền sang người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là Aedes aegypti.

2. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

Thời gian hoạt động hút máu của muỗi Aedes Aegypti là ban ngày, đặc biệt là lúc sáng sớm khi mặt trời vừa mọc và buổi chiều tối trước khi tắt ánh sáng. Ngoài hai thời điểm chính này, muỗi sốt xuất huyết vẫn hoạt động hút máu suốt cả ngày, kể cả vào ban đêm.

Để không bị muỗi đốt, nên tránh ở những nơi tối, nhiều cây cối rậm rạp vào thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất (sáng sớm và chiều tối); mặc quần áo dài, dùng kem chống muỗi, nằm ngủ trong mùng/màn kể cả ban ngày.

 

Ảnh (WHO)

 

3. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch.

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, cả thành thị và nông thôn, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

4. Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh.

Sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Virus Dengue gây bệnh có 4 type, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây nên các vụ dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type cho nên một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết 4 lần bởi những type virus Dengue khác nhau.

5. Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết

Từ 4 - 7 ngày sau khi nhiễm virus sốt xuất huyết Dengue từ muỗi đốt, người bệnh xuất hiện triệu chứng bệnh sốt xuất huyết.

* Thể bệnh nhẹ

- Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, sốt liên tục, khó hạ sốt.

- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Đau người, đau cơ, khớp.

- Có thể có nổi mẩn, phát ban.

* Thể bệnh nặng: bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

6. Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết

Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Không được sử dụng thuốc hạ sốt aspirin hoặc ibuprofen khi nghi ngờ mắc bệnh. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Để cải thiện hệ miễn dịch, người bệnh cần được nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vitamin.

Điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng và phòng ngừa sốc.

7. Bị sốt xuất huyết nên ăn gì và kiêng không ăn gì?

* Thực phẩm nên ăn:

Bổ sung nhiều nước: uống bù nước, nước ép trái cây (như cam, dừa, bưởi …);

Ăn cháu loãng, súp …

* Thực phẩm không nên ăn:

Đồ ăn nhiều dầu mỡ; đồ ăn cay, nóng;

Đồ uống ngọt, mật ong, các loại đường tự nhiên khác; rượu, cà phê.

8. Những lưu ý khác:

Không tắm, ngâm người trong nước lâu, không tắm nước lạnh (nếu bị hạ tiểu cầu tránh kỳ cọ mạnh khi tắm).

Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cả ở trẻ em hay người lớn. Người bệnh sốt xuất huyết cần được theo dõi cẩn thận, chăm sóc y tế khi có dấu hiệu sốc do xuất huyết nặng, xử lý kịp thời nếu có biến chứng.

Vì thế không được chủ quan, khi thấy bất cứ dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám và theo dõi. Không tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ./.

 

                                                          TÚ EM (Tổng hợp)

 


Tác giả: Tú Em - TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết