Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức khỏe, góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19.

Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển năm 2021 diễn ra từ ngày 16-23/10/2021 với các hoạt động cụ thể theo Kế hoạch số 102/KH-KSBT ngày 14/10/2021 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu, với các nội dung:

- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, bền vững.

- Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, giảm suy dinh dưỡng về thể nhẹ cân, thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi.

- Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như: Phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ dưới 5 tuổi.

- Kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì, góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây, liên quan đến dinh dưỡng.

Truyền thông phòng ngừa suy dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe:

- Người bệnh mắc COVID-19 cần được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng, chú ý cách chế biến để ăn ngon miệng, không bỏ bữa; đặc biệt lưu ý phòng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng cho những bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, bà mẹ đang nuôi con bú.

- Duy trì hoạt động thể lực thường xuyên, phù hợp với lứa tuổi; uống đủ nước; thực hiện các biện pháp phòng COVID-19 theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Sản xuất và sử dụng thực phẩm hợp lý, lành mạnh, an toàn, hạn chế thất thoát, lãng phí, góp phần tích cực tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Đảm bảo số lượng, cân đối, hợp lý về chất lượng của khẩu phần ăn hàng ngày; chú ý ăn đủ lượng thịt, cá, trứng; rau xanh, quả chín… để cung cấp chất đạm, vitamin và chất khoáng, giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.

- Không ăn mặn; hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẳn, đồ ngọt, đồ uống có đường.

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi mua và sử dụng.

Dinh dưỡng cho trẻ trong 6 tháng đầu đời:

Chế độ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú mẹ và kèm dinh dưỡng tốt cho trẻ từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất, trí tuệ trong suốt cuốc đời của trẻ. Trẻ sơ sinh cần được cho bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, sau đó cho ăn bổ sung hợp lý nhưng vẫn duy trì cho bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thay thế đối với trẻ sơ sinh. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ ít khi mắc các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, đường ruột…, ngay cả trong cuộc sống về sau này. Trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ còn có sức đề kháng tốt hơn với bệnh tật. Ở trẻ sơ sinh, chỉ cho trẻ bú sữa mẹ mà không cho ăn hoặc uống thêm bất cứ 1 loại thức ăn hay chất lỏng nào khác kể cả nước. Sữa mẹ cung cấp đấy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết kể cả nước cho trẻ trong 6 tháng đầu đời.

Hưởng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển năm 2021, diễn ra từ ngày 16-23/10/2021, mỗi người dân hãy đặc biệt quan tâm hơn nữa đảm bảo bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch COVID-19./.

Bác sĩ PHƯỚC NHƯỜNG


Tác giả: Bác sĩ Phước Nhường - TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết