Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng ứng Tuần lễ dinh dưỡng (16-23/10/2021): Đảm bảo dinh dưỡng, tăng sức đề kháng phòng bệnh COVID-19.

Nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và hưởng ứng ngày Lương thực thế giới (16/10) hàng năm. Thực hiện Công văn số 691/VDD-GDTT, ngày 24/9/2021 của Viện Dinh dưỡng về việc hướng dẫn triển khai Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” năm 2021, với thông điệp “Đảm bảo số lượng, cân đối, hợp lý về chất lượng của khẩu phần ăn hàng ngày; chú ý ăn đủ lượng thịt, cá, trứng, rau xanh, quả chín... để cung cấp chất đạm, vitamin và chất khoáng, giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng”. Tổ chức phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16-23/10/2021 với chủ đề “Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức khỏe, góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19”. Trước tình hình dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp, không chỉ riêng ngành Y tế mà rất cần sự chung tay của các Ban, ngành đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động đến mọi gia đình, người dân có ý thức nâng cao sức khỏe, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, góp phần phòng, chống dịch bệnh; thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để phòng bệnh hiệu quả. Với đội ngũ cộng tác viên đầy nhiệt huyết ở tuyến cơ sở đã góp phần không nhỏ trong công tác vận động, tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển mô hình VAC nhằm tạo ra nguồn thực phẩm tại chỗ an toàn về chất lượng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong từng bữa ăn gia đình được cân đối, hợp lý giữa chất đạm kết hợp với nhiều loại rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm chứa nhiều vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Như chúng ta đã biết, nhu cầu dinh dưỡng thay đổi theo độ tuổi, giới tính, sức khỏe và mức độ hoạt động thể lực của mỗi người. Một khẩu phần ăn đủ, cân đối sẽ cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể, duy trì sự sống, làm việc và vui chơi giải trí. Nếu khẩu phần ăn hàng ngày bị thiếu hụt không đáp ứng đủ nhu cầu trong một thời gian nhất định sẽ dẫn đến trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng, phát triển kém về thể lực và trí tuệ, người lớn nếu bị thiếu năng lượng kéo dài gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe. Ngược lại, ăn nhiều quá mức cần thiết sẽ dẫn đến béo phì, một số bệnh về chuyển hóa, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu…Bên cạnh việc ăn uống hợp lý, đầy đủ theo số lượng thì vấn đề chất lượng cũng góp phần không kém quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể. Để bữa ăn cung cấp đủ chất, cần chế biến món ăn tương đối đầy đủ các thành phần, phối hợp nhiều loại từ  4 nhóm thực phẩm chính: Nhóm lương thực gồm các loại như gạo, ngô, khoai, sắn, mì… là nguồn thức ăn cung cấp năng lượng chủ yếu trong khẩu phần ăn; Nhóm cung cấp chất đạm gồm những thức ăn có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, trứng, sữa, tăng cường ăn cá, tôm, cua, ốc sẵn có tại địa phương vừa có tính kinh tế lại ngon, bổ. Nguồn thực vật như các loại đậu và các sản phẩm được chế biến từ đậu như tàu hũ, sữa đậu nành…đem lại một lượng lớn chất đạm đáp ứng cho nhu cầu phát triển của cơ thể. Ngoài ra cần bổ sung thêm mốt số chất béo và các loại rau, củ, quả trong quá trình chế biến thực phẩm. Với đặc tính khác nhau của từng loại thực phẩm nếu được chế biến một cách khoa học, phù hợp sẽ cung cấp một bữa ăn cân đối đầy đủ cả chất và lượng.

Mỗi người tự trang bị cho mình một chế độ ăn uống hợp lý cả về chất lẫn số lượng: Hạn chế ăn mặn, ăn ít đường, ăn có mức độ những chất béo như dầu, mỡ, ăn vừa phải những thức ăn chứa nhiều đạm kể cả động vật lẫn thực vật. Đối với các loại thức ăn rau, củ, hoa, quả và các loại tinh bột cần ăn lượng vừa đủ cần thiết cho nhu cầu bình thường của cơ thể. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo khâu lựa chọn thực phẩm sao cho an toàn, biết rõ nguồn gốc, không bị ôi thiu, không sử dụng hóa chất và tuyệt đối không để thức ăn là nguồn lây bệnh vì thực phẩm có thể bị ô nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như do nguồn nước tưới hàng ngày trong quá trình trồng trọt, bảo quản hay chế biến,vận chuyển…

Mỗi người nên tự rèn luyện cho mình thói quen rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, uống nhiều nước khoáng, nước chín và đủ số lượng cần thiết cho cơ thể hằng ngày. Duy trì hoạt động thể lực thường xuyên, phù hợp với lứa tuổi, thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Sử dụng thực phẩm hợp lý, lành mạnh, an toàn, hạn chế thất thoát, lãng phí, góp phần tích cực tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, nâng cao sức khỏe, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19./.

Đỗ Thị Hoàng Yến


Tác giả: Đỗ Thị Hoàng Yến - TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết