Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi làm việc, nâng cao chất lượng môi trường sống.

Vệ sinh môi trường hiện nay đã đến mức báo động, các loại rác thải sinh hoạt càng ngày càng tăng lên, đặc biệt rác thải do người dân không có ý thức vứt ra khắp nơi từ đường giao thông nông thôn, ngõ xóm đến kênh, mương, ao hồ, sông rạch...

Vệ sinh môi trường hiện nay đã đến mức báo động, các loại rác thải sinh hoạt càng ngày càng tăng lên, đặc biệt rác thải do người dân không có ý thức vứt ra khắp nơi từ đường giao thông nông thôn, ngõ xóm đến kênh, mương, ao hồ, sông rạch... chỗ nào tiện là vứt rác, đổ chất thải sinh hoạt một cách tùy tiện, gây ô nhiễm, mất vệ sinh nghiêm trọng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức bảo vệ môi trường của mọi người không cao, luật phạt vi phạm đã có nhưng còn bỏ sót và chưa đủ sức răn đe. Cần tăng cường truyền thông để mọi người coi việc giữ gìn bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của cá nhân mình, nâng cao ý thức chấp hành và ý thức xã hội.
Vệ sinh môi trường là gì? Vệ sinh môi trường là các biện pháp nhằm cải tạo và làm sạch môi trường sống, góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đó là các biện pháp được thực hiện để bảo đảm vệ sinh thực phẩm, vệ sinh nước sinh hoạt, vệ sinh công cộng, vệ sinh khi chôn cất người chết..., như: xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước, thu gom và xử lí rác thải; cung cấp đầy đủ nước sạch cho người dân, không phóng uế và đổ rác bừa bãi, thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng, không chôn cất người chết tại các khu tập trung mà phải ra khu quy hoạch xa khu dân cư... Để thực hiện tốt và hiệu quả, mỗi người dân là một nhân tố quyết định, sẽ thất bại nếu đâu đó vẫn còn một bộ phận công dân còn thiếu ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi trên hè phố, lòng đường, tại các điểm công cộng, vui chơi giải trí, kinh doanh ăn uống; tình trạng phương tiện vận chuyển đổ phế thải, làm rơi đất thải, phế thải trên đường, công trình xây dựng bụi bẩn đường phố;
Truyền thông nâng cao ý thức, có biện pháp giám sát chặt chẽ và chế tài thật nghiêm khắc: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; công tác thu dọn, vận chuyển, xử lý đất thải, phế thải xây dựng; thực hiện các giải pháp giảm bụi bẩn trên đường phố; xây dựng, lắp đặt bổ sung và đảm bảo hiệu quả hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng; tổ chức các đợt tăng cường vệ sinh môi trường hằng tuần, hằng tháng. Vệ sinh môi trường cải tạo và làm sạch môi trường sống, môi trường làm việc, môi trường lao động góp phần bảo vệ sức khoẻ cá nhân, cộng đồng, phòng chống bệnh tật và nâng cao năng suất lao động.
-Vệ sinh công cộng:
Thu gom và xử lý chất thải của con người (phân, nước tiểu): sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn.
Thu gom và xử lý rác thải: đổ rác đúng nơi quy định và phân loại rác thải trước khi đổ rác…
Thu gom và xử lý nước thải: xử lý nước thải theo quy chuẩn vệ sinh, hệ thống thoát nước mưa tương thích…
-Xử lý nước thải, rác thải nơi công cộng sau khi tổ chức các sự kiện và trong các khu sản xuất tập trung: có kế hoạch xử lý và được giám sát bởi các cơ quan chức năng.
-Vệ sinh nước sinh hoạt: các biện pháp nhằm đảm bảo nước sinh hoạt đạt các tiêu chuẩn vệ sinh và mọi người dân đều được tiếp cận nước sạch một cách dễ dàng.
- Vệ sinh nơi làm việc: Môi trường làm việc sạch sẽ, thoáng mát, thân thiện; cây xanh phong cảnh và bố cục hợp lý; thực hiện 5S: 5S là phương pháp quản lý và sắp xếp nơi làm việc, xây dựng một môi trường mà ở đó, sự tinh gọn, sạch sẽ, khoa học được đặt lên hàng đầu, thông qua các hoạt động như giữ vệ sinh cho phương tiện máy móc, trang thiết bị, sắp xếp mọi thứ một cách trật tự, khoa học... Phương pháp này được phát triển từ Nhật Bản, là các từ viết tắt trong tiếng Nhật: Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc) và Shitsuke (Sẵn sàng).
Phong trào tổng vệ sinh ở các cơ quan, đơn vị, trên từng địa bàn dân cư, ngoài cộng đồng phải có kế hoạch, phát động thực hiện cụ thể, được duy trì đều đặn, thường xuyên; theo đó có biện pháp giám sát và chế tài cụ thể: Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt như sau:
1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Như vậy, đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại nơi công cộng được quy định tại điểm c, Điều 20 Nghị định này thì chế tài xử lý đối với hành vi này là xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tùy vào mức độ vi phạm. Ngoài ra, Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra./.
BS. PHƯỚC NHƯỜNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết