Hiện nay, tình hình diễn biến các bệnh truyền nhiễm, các bệnh mới nổi rất phức tạp do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, dân cư tập trung đông đúc, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát. Ngành Y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Mỗi người cùng chung tay thực hiện theo khuyến cáo của ngành Y tế ở từng thời điểm sẽ cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh:
1. Không chủ quan với dịch bệnh: Ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân là yếu tố quyết định mang lại sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành Y tế kêu gọi toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh. Khi người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, hành động tích cực, tự giác sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho bản thân mà còn cho gia đình, địa bàn, từ đó góp phần phòng bệnh cho cả cộng đồng.
2. Tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch, đúng khuyến cáo Y tế: Vắc xin làm giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm bằng cách giúp hệ miễn dịch của cơ thể làm quen với tác nhân gây bệnh trước, tạo kháng thể chống lại căn bệnh đó khi có sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Một số trường hợp sau tiêm vắc xin vẫn mắc bệnh nhưng tỷ lệ mắc sẽ rất thấp và các triệu chứng, biến chứng của bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn so với người không tiêm phòng. Việc tiêm chủng đầy đủ sẽ là cách phòng chống bệnh truyền nhiễm an toàn, hiệu quả và chủ động.
3. Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên: Hãy xây dựng thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thực phẩm hoặc khi ăn, sau khi chăm sóc cây cảnh hoặc làm bất kỳ công việc nào gây lấm bẩn; rửa sạch tay sau khi xì mũi, ho, hắt hơi, vuốt ve hoặc cho thú cưng ăn uống, sau khi đến thăm hoặc chăm sóc người bệnh. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân tạo điều kiện cho việc lây nhiễm vi trùng và bệnh tật.
4. Giữ vệ sinh môi trường sống gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp: lưu ý giữ gìn vệ sinh kỹ ở khu vực nhà bếp, lavabo rửa chén và phòng vệ sinh vì đây là hai nơi có nhiều vi trùng, vi khuẩn. Bạn hãy bắt đầu vệ sinh bằng xà phòng và nước, sau đó lau sạch bằng khăn lau khử trùng có tẩm ít giấm ăn và dầu gió xanh để khử mùi. Tiêu diệt các loại côn trùng gây bệnh trong môi trường sống.
5. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học và vệ sinh an toàn thực phẩm: Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và chức năng của tế bào miễn dịch bao gồm vitamin C, vitamin D, kẽm, selen, sắt và protein (tính luôn axit amin glutamine). Các chất dinh dưỡng này được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm thực vật (bông cải xanh, ớt chuông, tỏi, gừng,…) và động vật (gà, tôm, cua,…), chế độ ăn uống tốt cho hệ vi sinh vật cũng sẽ nâng cao hệ thống miễn dịch.
6. Giảm stress, thể dục điều độ nâng cao sức khỏe, cải thiện giấc ngủ
Một giấc ngủ chất lượng sẽ thúc đẩy hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh hơn. Người trưởng thành nên tập thể dục nhịp điệu với cường độ vừa phải ít nhất 150–300 phút hoặc 75 phút hoạt động thể chất cường độ cao mỗi tuần, khuyến khích có ít nhất 2 ngày mỗi tuần tập luyện các nhóm cơ chính ở chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai và cánh tay.
7. Nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh và hạn chế đi đến những nơi có dịch: Thông tin qua báo đài, hiện tại nguy cơ bùng phát dịch bệnh gì và nên tiêm ngừa vắc xin ngay lập tức. Nếu có đi du lịch hoặc đi xa, hãy nghiên cứu và nắm bắt thông tin nơi cần đến, cần đến bác sĩ tư vấn tiêm ngừa vắc xin bổ sung theo khuyến cáo của ngành Y tế. Sự phát triển của bệnh truyền nhiễm là khó lường, theo đó, các phương pháp phòng bệnh cũng được cập nhật thường xuyên. Các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế vẫn luôn cần mẫn phát triển các loại vắc xin mới tối ưu hơn. Do đó, bạn cần tiếp cận kiến thức phòng bệnh mới hoặc các thông tin về dịch bệnh bùng phát để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả.
8. Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Ngay cả khi bạn thấy mình khỏe mạnh, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ vẫn có vai trò hết sức quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình.
9. Lưu ý những bệnh theo chu kỳ, theo mùa, khuyến cáo phòng chống một số dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân
- Bệnh cúm mùa: Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây:
+ Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
+ Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
+ Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
+ Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
+ Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
+ Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
- Bệnh sởi: Các khuyến cáo của Bộ Y tế đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
+ Chủ động đưa trẻ em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến Trạm y tế xã, phường, thị trấn để tiêm vắc xin phòng sởi.
+ Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
+ Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
- Bệnh tiêu chảy: Để chủ động phòng bệnh tiêu chảy cấp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
+ Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín.
+ Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt.
+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
+ Mỗi gia đình nên có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ phân, rác thải xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.
+ Khi có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
- Bệnh liên cầu lợn: Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Khi nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm cần làm gì?
- Nếu bạn thấy mình có các triệu chứng như phát ban, ngứa, sốt, ớn lạnh, ho, mệt mỏi, đau cơ hoặc đau đầu kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, bạn hãy:
- Đến bệnh viện, trung tâm y tế để chẩn đoán bệnh sớm nhất: các bác sĩ sẽ thực hiện một vài xét nghiệm hoặc chụp hình ảnh để hiểu rõ triệu chứng của bạn, từ đó, đưa ra chẩn đoán bệnh và lên phác đồ điều trị.
- Cách ly để ngăn chặn sự lây lan trong gia đình/cộng đồng: bạn có thể tự sắp xếp hoặc nhờ hỗ trợ của gia đình để có khu vực sinh hoạt của riêng mình, không sử dụng chung các đồ cá nhân, ăn bằng chén và uống nước bằng ly riêng. Nhìn chung, tất cả những vật dụng bạn sử dụng hàng ngày đều cần riêng biệt với gia đình, cộng đồng. Nếu bạn đang phải đi làm, bạn hãy xin phép công ty cho nghỉ làm hoặc xử lý công việc từ xa.
- Điều trị đúng phác đồ của bác sĩ: tuân thủ phác đồ điều trị là yếu tố chính quyết định sự thành công của điều trị. Việc bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị có thể dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, làm gia tăng nguy cơ tử vong và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh và chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cuộc sống cho chính mình và cộng đồng./.
Bác sĩ Phước Nhường