Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bước nhận biết, xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực, là tình trạng người bệnh bị ngộ độc do ăn uống phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố (vi rút, vi trùng, chất độc hóa học…) hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, các hóa chất bảo quản, chất phụ gia,…

Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực, là tình trạng người bệnh bị ngộ độc do ăn uống phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố (vi rút, vi trùng, chất độc hóa học…) hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, các hóa chất bảo quản, chất phụ gia,… Triệu chứng thường gặp là đau bụng, tiêu chảy, sốt, nôn mửa, kéo dài từ 1 – 2 ngày. Khi bị ngộ độc cơ thể phản ứng bằng cách loại bỏ, đào thải càng nhanh càng tốt các chất độc hại (nôn, ói, tiêu chảy ồ ạt…) giúp phục hồi sức khỏe.

Một số trường hợp ngộ độc thực phẩm với quy mô cộng đồng gần đây, báo động nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao, cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ở mức cao nhất.

Ngày 26/3, Trường TH-THCS Tuệ Đức tại 1/5 Bis Lương Định Của, phường An Khánh (Tp Thủ Đức) ghi nhận có 38 trường hợp học sinh nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, bao gồm 2 học sinh ở nhà và 2 học sinh ở trường cùng biểu hiện nghi ngờ và 34 học sinh có biểu hiện hoặc đau đầu, ói, tiêu chảy sau khi ăn tại trường. Món ăn nghi ngờ ngộ độc là trong bữa ăn trưa, ăn xế ngày 25-3 và sáng 26-3. Tiếp đến, sáng 27-3, Trường TH-THCS Tâm Tuệ Đức tại 644 Nguyễn Thị Định, P Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức ghi nhận 7 trường hợp học sinh được phụ huynh xin nghỉ ở nhà theo dõi vì có biểu hiệu đau bụng nhẹ. Nguồn thực phẩm các bữa ăn của học sinh trường này trong các ngày 25-3, 26-3 được cung cấp bởi một bếp ăn công nghiệp có địa chỉ công ty tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM.

Ngày 29/3, Bệnh viện Quận 11 (TpHCM) tiếp nhận 37 trường hợp nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói, nghi ngộ độc thực phẩm (những người này là tài xế, giáo viên và học sinh Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh cho biết sáng cùng ngày có mua bánh mì ăn, sau đó bị triệu chứng như trên. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì). Trong số các trường hợp nhập viện, đa số là học sinh Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh (33 em từ 13-15 tuổi) và 1 bé 6 tuổi, 3 người lớn (cùng làm việc trong trường). Theo Bs Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Quận 11, cho biết trong số 37 người nghi bị ngộ độc thực phẩm có vài người lớn là tài xế và giáo viên, còn lại là học sinh và sau nhập viện 1 ngày, 36 bệnh nhân đã được xuất viện, chỉ còn duy nhất 1 em đang nằm theo dõi tại bệnh viện.

Xác định tác nhân gây ngộ độc: tác nhân gây ngộ độc có thể do hóa chất bảo quản thực phẩm (thuốc trừ sâu, hóa chất chống sâu mọt, hàn the, chất định hình, phẩm màu...) và do các vi sinh vật; ngộ độc do thức ăn và nước uống bị nhiễm chất độc như: kim loại (arsen, kẽm, chì...), các thuốc diệt côn trùng (rau quả bị tồn lưu các hóa chất trừ sâu, chất bảo quản chống thối rữa). Độc tố có sẳn trong các cây/con vật có độc như: cá nóc độc, nội tạng cóc, trứng cóc, da cóc, nhựa cóc, mật cá trắm, nọc rắn, nọc bọ cạp, nọc ong, vỏ củ sắn, nấm độc, lá ngón, cà độc dược... cần tuân thủ nghiêm quy định về chế biến, bảo quản, vận chuyển đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các bếp ăn tập thể quản lý chặt chất lượng nguồn đầu vào, chế biến bảo quản đúng quy trình và lưu mẫu thức ăn theo quy định.

Nhận biết một người bị ngộ độc thức ăn: Sau khi ăn hay uống thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 380C. Người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng nặng hơn. Nếu nôn nhiều lần và đi ngoài nhiều lần, người bệnh sẽ dễ bị mất nước, mất chất điện giải dẫn đến bị trụy tim mạch và sốc, phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước nhất là đối với những người nôn nhiều trên 5 lần và đi ngoài phân lỏng trên 5 lần/3 giờ, sốt cao, miệng khô, môi khô, mắt trũng, khát nước, mạch nhanh, thở nhanh sâu, mệt lả, hay co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.

Xử trí khi bị ngộ độc thức ăn: Khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm, phải giữ lại thức ăn thừa, chất nôn, nước tiểu, phân… để chuyển cho cơ quan y tế gần nhất xác minh nguyên nhân ngộ độc; hỗ trợ cho người bị ngộ độc nôn ra hết những thức ăn đã ăn, để ngăn cản sự hấp thu các chất độc vào ruột, đồng thời để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Cho bệnh nhân nằm chỗ thoáng mát, cho uống từng ít nước lọc và chuyển đến cơ sở y tế để được chăm sóc, chữa trị.

Các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thức ăn: Phòng tránh ngộ độc thực phẩm bao gồm nhiều quá trình như chọn thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm chưa chế biến và đã chế biến, giữ vệ sinh trong lúc chế biến thức ăn, ăn uống hợp vệ sinh với nguyên tắc ăn chín uống sôi.

- Lựa chọn thực phẩm an toàn: Cần lựa mua những thực phẩm tươi sống, không bị ôi thiu, không bị kém chất lượng, không hết hạn sử dụng, không có xuất xứ rõ ràng.

+ Chọn rau quả tươi, không bị dập nát, không có mùi lạ, không mốc.

+ Chọn thịt có kiểm dịch thú y và đạt tiêu chuẩn thịt tươi.

+ Chọn cá và thủy hải sản tươi, màu sắc bình thường, không mùi bất thường.

+ Chọn thực phẩm đã chế biến phải có hộp hoặc đóng gói nguyên vẹn, có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ nội dung (tên sản phẩm, trọng lượng, thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất, chế biến, số đăng ký sản xuất, còn thời hạn sử dụng).

+ Nói không với thực phẩm lạ (cá lạ, rau, quả hoặc nấm lạ); không dùng phẩm màu, đường hóa học không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.

- Bảo quản kỹ lưỡng thực phẩm:

Bảo quản những thức ăn chưa chế biến và đã chế biến trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp. Không nên để thức ăn ở ngoài quá hai giờ đồng hồ đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nắng nóng không nên để ngoài quá một giờ đồng hồ.

- Chế biến thức ăn đúng cách và an toàn:

Làm chín thức ăn đúng cách, ở nhiệt độ phù hợp. Nấu chín thức ăn, đun sôi nước trước khi sử dụng. Rửa các loại trái cây tưới trực tiếp dưới vòi nước đang chảy.

Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm, trong quá trình chế biến và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống.

Dụng cụ chế biến thức ăn cũng phải sạch sẽ, rửa lại bằng xà phòng và nên rửa với nước ấm.

- Ăn uống hợp vệ sinh:

Ăn uống ở những nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những quán ăn bụi bẩn, ẩm thấp… Thực hiện ăn chín uống chín, hâm kỹ thức ăn sau 4 giờ bảo quản trước khi ăn./.

Bác sĩ PHƯỚC NHƯỜNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết