Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự cần thiết phải tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ 4

Có rất nhiều thắc mắc và băn khoăn về việc quyết định tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ 4, những ai cần tiêm mũi 4? nhân viên y tế có cần tiêm mũi 4 không? Những người đã mắc bệnh COVID-19 có nên tiêm không và khi nào tiêm? Những người lớn tuổi và những người có suy giảm miễn dịch, những người có phàn nàn về tác dụng phụ trong những lần tiêm vắc xin COVID-19 trước… trong những trường hợp cụ thể và không có chống chỉ định, mọi người đều phải nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ 4.

EDWARD JENNER và phát minh ra tiêm chủng:

Vào năm 1796, Edward Jenner (là bác sĩ sống ở Berkeley, nước Anh) lấy mủ từ một vết thương đậu mùa để tiêm cho cậu bé James Phipps (8 tuổi), dựa trên 12 thí nghiệm như vậy và 16 trường hợp bổ sung mà ông đã thu thập được từ những năm 1770, Jenner đã xuất bản một văn bản y học: Điều tra về nguyên nhân và tác dụng của Variolla Vaccine. Việc lấy vi trùng từ động vật mắc bệnh và làm cho vi trùng (hay vi rút) yếu đi sau đó tiêm vào cơ thể người qua đường máu được Jenner gọi là vaccination. Nhà khoa học Jenner phát minh ra vắc xin vào năm 1796 là một thành tựu Y học vĩ đại của nhân loại. Kể từ khi vắc xin ra đời, loài người đã thực sự có được một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén, hữu hiệu, chủ động, quy mô cộng đồng để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Qua nhiều thế kỷ, đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân, tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với nhân loại. Tiêm chủng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm, là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm, giúp nhân loại vượt qua nguy cơ diệt vong do biến cố bệnh tật, và đến nay là vắc xin ngừa COVID-19!

Triển khai tiêm nhắc vắc xin COVID-19 lần 2 (mũi 4): Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3724/VPCPKGVX ngày 15/6/2022 về việc đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 và hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; ngày 23/6/2022, Bộ Y tế ban hành văn bản 3309/BYT-DP, trong đó hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho các đối tượng người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng quân đội, công an, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ); công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.

Hiểu rõ hơn về các mũi tiêm vắc xin ngừa COVID-19:

Mũi tiêm cơ bản: mũi 1, 2 hay 3 tuỳ từng loại vắc xin và tuỳ đối tượng tiêm.

Mũi tiêm nhắc: khi đã đủ mũi tiêm cơ bản, tiêm mũi tiếp theo là nhắc lần 1, tiêm mũi nữa là nhắc lần 2.

Để tránh nhầm lẫn khi nói đến tiêm mũi nhắc lại, chúng ta tách ra mũi cơ bản và mũi nhắc lại.

Tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 được hiểu là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 1. Tiêm vắc xin mũi 4 là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 2. Việc tiêm mũi nhắc lại lần 1 và lần 2 vắc xin COVID-19 (tương đương lần tiêm thứ 3 và 4 hay 4 và 5 tuỳ đối tượng) giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản.

Hiện có nhiều người đang nhầm lẫn giữa tiêm vắc xin COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1). Mũi vắc xin bổ sung dành cho đối tượng suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các vắc xin mà bằng chứng cho thấy cần phải tiêm thêm mới đạt miễn dịch cơ bản (ví dụ vaccine Vero Cell, Sputnik V).

Riêng với tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) sẽ đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

Mũi nhắc lại lần 1 và nhắc 2 có thể sử dụng loại vắc xin tiêm cùng loại với mũi tiêm liều cơ bản hoặc dùng vắc xin mRNA hoặc vắc xin Astrazeneca nếu tiêm phối hợp. Lưu ý khoảng cách tiêm mũi nhắc lần 1 này cách ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản và mũi nhắc lần 2 cách 4 tháng sau mũi nhắc lần 1. Riêng mũi nhắc lần 2 cần lưu ý cách thời gian xác định bị COVID-19 tối thiểu 3 tháng, điều này không đặt ra với mũi nhắc lần 1.

Liều lượng tiêm đối với vắc xin Moderna tiêm liều 0,25ml (1/2 so với liều cơ bản), các vắc xin khác giữ nguyên liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nếu sắp tới ngày tiêm vắc xin theo lịch mà bị bệnh hoặc bị COVID-19 thì nên tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định. Lưu ý với mũi nhắc lần 2 thì phải chờ đủ 3 tháng sau khỏi mới cần đi tiêm.

Hướng dẫn tại văn bản mới nhất của Bộ Y tế nêu rõ việc tiêm liều bổ sung (liều này không phải mũi 3) cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người đang điều trị ung thư tích cực đối với các khối u hoặc ung thư máu; Người cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; Người điều trị bằng liệu pháp thụ thể kháng thể tế bào T (một loại điều trị giúp hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư) hoặc được cấy ghép tế bào gốc (trong vòng 2 năm qua); Người suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (ví dụ hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich); Người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị; Người đang điều trị tích cực corticosteroid hoặc các loại thuốc ứng chế miễn dịch liều cao./.

Bác sĩ Phước Nhường


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết