Giải pháp thực hiện phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại tỉnh Bạc Liêu
Ngày 23/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 625/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Kế hoạch số 24/KH-SYT ngày 22/02/2023 của Sở Y tế về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 tỉnh Bạc Liêu
Ngày 23/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 625/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Kế hoạch số 24/KH-SYT ngày 22/02/2023 của Sở Y tế về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 tỉnh Bạc Liêu, trong đó nêu lên các giải pháp thực hiện phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cụ thể như sau:
1. Quản lý điều hành:
- Củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động trong phòng, chống bệnh dịch, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống và ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trên địa phương.
- Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sớm phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, cấp và bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số.
- Tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, huy động các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và người dân và cùng với cơ quan quản lý nhằm phát huy được hiệu quả cao nhất.
- Củng cố nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch từ tỉnh đến địa phương.
- Xây dựng kế hoạch đáp ứng từng tình huống dịch bệnh.
- Tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ tuyến dưới.
- Thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở công bố đủ điều kiện tiêm chủng theo nghị định 104/2016/NĐ-CP.
- Tổ chức đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, thống kê báo cáo, mở rộng triền khai sử dụng hệ thống báo cáo điện tử ở tất cả các tuyến.
2. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe:
- Chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh.
- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, lợi ích tiêm chủng để vận động nhân dân chủ động đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, phối hợp và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
- Tiếp tục tổ chức các chiến dịch tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch vệ sinh môi trường, thực hiện tốt chỉ tiêu 3 công trình vệ sinh, duy trì thực hiện tốt phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
3. Công tác chuyên môn:
3.1. Các giải pháp giảm mắc:
a) Tuyến tỉnh:
- Tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Tăng cường giám sát bệnh chủ động tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, kịp thời thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, xử lý ổ dịch triệt để nhằm hạn chế lây lan và không để bệnh dịch lan rộng, bùng phát. Chú trọng vào nhóm các dịch bệnh nguy hiểm (bệnh Viêm phổi nặng nghi do vi rút, Cúm A(H5N1), Cúm A (H7N9)...) và các bệnh lưu hành có số mắc cao (SXH Dengue, TCM...).
- Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã, phường vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng có dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội, bảo đảm tỉ lệ tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đạt trên 95% ở quy mô xã, phường trên phạm vi toàn tỉnh.
- Nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến, thực hiện giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm gây dịch như bệnh Cúm, SXH, Viêm não Nhật Bản, bệnh Lao, Phong… nhằm cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết về dịch tễ học, vi khuẩn học và các yếu tố liên quan làm cơ sở lập kế hoạch dự phòng và khống chế dịch bệnh chủ động.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát bệnh truyền nhiễm. Thực hiện phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm, phần mềm quản lý tiêm chủng tại 64 xã phường. Báo cáo từng trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh và từng cá nhân trong độ tuổi tiêm chủng bao gồm cả tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.
- Phối hợp chặt chẽ với ngành Thú y trong việc chủ động giám sát, chia sẻ thông tin và tổ chức các hoạt động phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
- Duy trì, kiện toàn các đội cơ động chống dịch bệnh tại tỉnh và các cấp có đủ năng lực và trang thiết bị sẵn sàng thực hiện xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến trước khi có dịch bệnh xảy ra.
- Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng, phòng ngừa bệnh dịch lây truyền qua thực phẩm.
- Tăng cường năng lực xét nghiệm, chuẩn hóa, thống nhất các phương pháp xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Đảm bảo an toàn sinh học tại các phòng xét nghiệm.
- Chuẩn bị sẵn sàng phương án, kế hoạch phối hợp, ứng phó theo tình huống nếu xảy ra dịch bệnh lớn hoặc xảy ra đại dịch, các tình huống nguy cơ về y tế công cộng.
- Tổ chức tập huấn cho các cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch (cán bộ giám sát, xét nghiệm, cấp cứu điều trị bệnh nhân, xử lý ổ dịch, truyền thông).
- Thực hiện giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, giám sát định kỳ, giám sát các ốc điểm có số lượng bệnh tăng cao bất thường.
- Tăng cường năng lực hệ điều trị để phát hiện sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối.
- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo: Thông tin phản hồi giữa các tuyến, báo cáo đột xuất, báo cáo khẩn, báo cáo tuần - tháng theo mẫu quy định.
b) Tuyến huyện:
- Tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện.
- Giám sát chặt chẽ phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại khóm/ấp, xã/phường, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời.
- Triển khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo đúng hướng dẫn giám sát phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế.
- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch.
- Củng cố mạng lưới thống kê báo cáo ở tuyến huyện, thị xã, thành phố - xã, phường, thị trấn.
c) Tuyến xã:
- Giám sát chặt chẽ tình hình mắc bệnh dịch, các yếu tố nguy cơ đến tận ấp/khóm khoanh vùng và xử lý kịp thời. Báo cáo kịp thời cho Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố các trường hợp bệnh truyền nhiễm theo quy định.
- Lập kế hoạch phòng, chống dịch. Tham mưu cho chính quyền địa phương bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
- Thực hiện việc lồng ghép các hoạt động cộng đồng tuyên truyền cho người dân về những kiến thức để phòng, chống dịch bệnh. Huy động cộng đồng trong các hoạt động tiêm chủng phòng bệnh.
- Thực hiện tiêm chủng mở rộng, rà soát đối tượng tiêm chủng, thường xuyên tổ chức tiêm vét bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt > 95%, giám sát và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
- Thành lập đội cơ động chống dịch bệnh, xử lý kịp thời trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để dịch bệnh lây lan.
- Phối hợp với tuyến trên và các ban ngành liên quan thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn xã, phường.
3.2. Các giải pháp giảm tử vong:
- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
- Bổ sung phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, chống kháng thuốc.
- Tổ chức các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới. Tập huấn về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, phòng lây nhiễm.
- Trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.
- Xây dựng các thông điệp truyền thông cho người bệnh, người chăm sóc, gia đình người bệnh về phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, một số kiến thức cơ bản về phòng bệnh.
Tổng kinh phí được UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện các giải pháp trên là 7.146.000.000 đồng (Bảy tỷ, một trăm bốn mươi sáu triệu đồng)./.
BS Tiền Trường Hải Đăng