Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ và bà mẹ mang thai.

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu protein và các vi chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ. Suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở giai đoạn từ 06 đến 24 tháng tuổi, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu là chế độ ăn thiếu năng lượng, không đầy đủ, do thiếu và mất cân đối các chất: đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), suy dinh dưỡng là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng, có đến 45% trường hợp trẻ em <5 tuổi tử vong do suy dinh dưỡng gây ra. Suy dinh dưỡng gây ra các hệ lụy nguy hiểm làm:

(1) Suy giảm hệ miễn dịch: Suy dinh dưỡng do thiếu vi chất (kẽm, sắt và vitamin) sẽ làm cho hệ thống miễn dịch dần yếu đi, trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng và tử vong cao.

(2) Chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ: Nếu bị nhiễm trùng đồng thời với suy dinh dưỡng, cơ thể trẻ sẽ không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Từ đó gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ.

(3) Xuất hiện các vấn đề về sức khỏe nguy hiểm: Thiếu các vi chất khiến sức khỏe của trẻ ngày càng tồi tệ hơn. Ví dụ, thiếu vitamin A gây ảnh hưởng xấu đến thị giác của trẻ; trong khi đó, thiếu protein và kẽm còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xương…

Thực hiện Công văn số 284/VDD-PEM ngày 04 tháng 5 năm 2021 của Viện Dinh dưỡng về việc triển khai Chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao đợt I năm 2021; Công văn số 3256/BYT-DP ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Bộ Y tế về việc tổ chức cho trẻ uống bổ sung Vitamin A và tẩy giun đợt I năm 2021; Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Dân số - Y tế về Chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch số 09/KH-KSBT ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về việc thực hiện Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em năm 2021; Kế hoạch số 56/ KH-KSBT ngày 17 tháng 5 năm 2021 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về việc triển khai Chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao đợt I năm 2021; để triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Dân số - Y tế về cải thiện tình trạng dinh dưỡng năm 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao đợt I năm 2021, xây dựng kế hoạch Chuyên mục sức khỏe: “Hưởng ứng chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ 06 – 36 tháng tuổi, phòng ngừa suy dinh dưỡng trẻ em và phụ nữ mang thai”, với mục tiêu:

- Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, giảm suy dinh dưỡng về thể nhẹ cân, thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi.

- Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như: Phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ dưới 5 tuổi.

- Kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

- Tổ chức Chiến dịch bổ sung uống Vitamin A cho trẻ từ 06 – 36 tháng tuổi, phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng, trẻ có nguy cơ cao (tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm sởi).

- Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng kết hợp với truyền thông giáo dục dinh dưỡng và cân/đo trẻ.

Và chỉ tiêu đặt ra:

- Tỷ lệ trẻ em từ 06-36 tháng tuổi trên toàn tỉnh được uống Vitamin A liều cao đạt >95%.

- Tỷ lệ bà mẹ sau sinh 1 tháng tại các cơ sở y tế được uống Vitamin A liều cao đạt >90%.

- Tỷ lệ trẻ có nguy cơ cao (tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm sởi) được uống Vitamin A bổ sung đạt 100%.

- Tỷ lệ phụ nữ có thai trong toàn tỉnh được tư vấn và uống viên sắt đạt 100%.

Vitamin A được biết đến từ rất lâu nhưng cho đến nay, thiếu Vitamin A vẫn đang là một vấn đề sức khoẻ cần được giải quyết. Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (Iốt, Vitamin A, Sắt) đang được quan tâm vì sự thiếu hụt các vi chất này ở các nước đang phát triển đã và đang trở thành vấn đề có ý nghĩa đối với sức khoẻ cộng đồng. Thiếu Vitamin A không chỉ gây khô mắt dẫn tới mù loà mà nó còn làm tăng nguy cơ tử vong, bệnh tật và làm giảm sự tăng trưởng của trẻ, quan tâm phòng chống thiếu Vitamin A là thiết thực cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ cho con em chúng ta.

Ngày 1-2 tháng 6, hãy đưa trẻ trong độ tuổi ( 06-36 tháng tuổi) đi uống vitamin A tại các điểm uống ở Trạm y tế xã./.

 

Bác sĩ Phước Nhường


Tác giả: Bác sĩ Phước Nhường - TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết