Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống bệnh sốt xuất huyết – bệnh do vi rút Zika đầu mùa mưa.

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là bệnh lưu hành quanh năm, tuy nhiên khi mưa xuống tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển kéo theo dịch bệnh sốt xuất huyết tăng lên. Véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn, khi không còn muỗi vằn – sẽ không có bệnh sốt xuất huyết. Khi đẻ trứng, muỗi vằn thường chọn đẻ nơi nước sạch, không đẻ nơi ao tù, nước thải, cống như nhiều người dân nghĩ. Muỗi vằn có thể đẻ rất nhiều nơi nếu như có nước sạch. Trứng muỗi có đặc điểm bám vào thành lu, hũ, mái lá và có thể tồn tại đến 6 tháng ở trạng thái khô, chỉ cần khi có nước thì lập tức trứng muỗi vằn phát triển thành lăng quăng rồi thành muỗi. Chính vì tập tính đẻ trứng như vậy nên muỗi vằn truyền bệnh SXH có khả năng sinh sản và phát triển mạnh vào đầu mùa mưa. Hàng năm cứ mùa mưa đến thì dịch bệnh lại có chiều hướng gia tăng, dịch thường phát triển mạnh từ tháng 4 đến 10 và đỉnh dịch từ tháng 8 - 9. Trong bối cảnh cả nước, nhất là ngành Y tế đang căng mình chống dịch COVID-19, nếu lơ là phòng, chống dịch SXH, nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát, “dịch chồng dịch” càng khó khăn hơn. Cũng như bệnh COVID-19, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay, điều lo ngại là người dân quan tâm phòng, chống COVID-19 nhưng lơ là, chủ quan trong phòng, chống bệnh SXH, trong khi căn bệnh này rất dễ lây lan, chỉ cần muỗi chích người bệnh, sau đó chích, truyền vi rút cho người lành.
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu và các Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố trong tỉnh đang tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Theo kế hoạch, trong tháng 6-2021, ngành Y tế sẽ tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết, Zika và ra quân diệt lăng quăng, ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát (tùy tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể sẽ thực hiện đơn giản hơn, tránh tập trung đông người, nhưng cơ bản là ý thức phòng chống dịch bệnh luôn cao, không được lơ là). Cộng đồng cùng chung tay cắt đứt đường lây truyền, không còn muỗi, không còn bọ gậy (lăng quăng) sẽ không còn bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Một số biện pháp có thể phòng ngừa bệnh này như: (1) Phòng chống muỗi sinh sản: không cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi bằng cách phát quang bụi rậm quanh nhà, đập nắp chum vại…; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng, bọ gậy; thường xuyên rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần; thu gom và bỏ các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà, như chai lọ, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp xe cũ,… Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát kê chân chạn/tủ đựng bát (chén), thường xuyên thay nước bình hoa. (2) Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay; ngủ trong mùng, kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, kem chống mũi hoặc vợt điện diệt muỗi…
Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết - bệnh do vi rút Zika vào đầu mùa mưa 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch và thực hiện Chuyên mục sức khỏe:  “Phòng chống bệnh sốt xuất huyết – bệnh do vi rút Zika đầu mùa mưa năm 2021”./.
 
Bác sĩ Phước Nhường

 


Tác giả: Bác sĩ Phước Nhường - TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết