Tập huấn đánh giá nhanh về dinh dưỡng tại khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm nâng cao khả năng ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng tại khu vực có nguy cơ bị thiên tai, được sự đồng ý của Bộ Y tế tại Công văn số 4272/BYT-QT ngày 25/7/2024 của Vụ Hợp tác quốc tế về việc Ban quản lý Dự án CSDE xin phép tổ chức hội thảo, tập huấn về dinh dưỡng và tiêm chủng mở rộng.
Nhằm nâng cao khả năng ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng tại khu vực có nguy cơ bị thiên tai, được sự đồng ý của Bộ Y tế tại Công văn số 4272/BYT-QT ngày 25/7/2024 của Vụ Hợp tác quốc tế về việc Ban quản lý Dự án CSDE xin phép tổ chức hội thảo, tập huấn về dinh dưỡng và tiêm chủng mở rộng. Từ ngày 10-11/9/2024, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) phối hợp với UNICEF tổ chức Lớp tập huấn đánh giá nhanh về dinh dưỡng cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tham gia lớp tập huấn có gần 30 cán bộ làm công tác dinh dưỡng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và Kiên Giang.
Bs.CK2. Nguyễn Văn Nin, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu phát biểu tại lớp tập huấn.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thời tiết; thường xuyên bị ảnh hưởng nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình và đời sống của người dân. Thiên tai không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn đẩy người dân vào tình trạng thiếu thốn lương thực, nước sạch, suy giảm tình trạng dinh dưỡng của cộng đồng bị ảnh hưởng. Việc nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng tại một số tỉnh thường xuyên xảy ra thiên tai về công tác đánh giá nhanh về dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp là nhu cầu cấp thiết.
Tại lớp tập huấn, các học viên được chia sẻ, cung cấp kiến thức tổng quan về tình hình thiên tai ở Việt Nam, tình hình dinh dưỡng ở Việt Nam, dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp, kinh nghiệm ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng, thực hành ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng… Các học viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến tham luận, nêu rõ những hoạt động điển hình đơn vị đang triển khai hiệu quả cũng như những thách thức, khó khăn trong công tác ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp. Đồng thời, sôi nổi tham gia vào hoạt động nhóm lập kế hoạch phòng, chống và ứng phó trong tình huống khẩn cấp.
Ths.Bs. Nguyễn Đình Quang, Cố vấn cao cấp Viện Dinh dưỡng, đại diện Tổ chức UNICEF tại Việt Nam chia sẻ, cung cấp nội dung tập huấn.
Qua lớp tập huấn, các học viên nắm được những rủi ro về dinh dưỡng trong trường hợp có thiên tai xảy ra và can thiệp dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp, từ đó xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp và đẩy mạnh công tác hỗ trợ ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ./.
Lâm Anh Khoa