Tin hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị tập huấn trực tuyến nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

Chiều ngày 20/7/2021, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến về nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Chủ trì hội nghị: Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng tiểu ban ứng dụng CNTT – Ban chỉ đạo tiêm chủng toàn quốc. Hội nghị tập huấn được kết nối đến 65 điểm cầu tại trụ sở chi nhánh Viettel tại các tỉnh/thành phố trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu Bạc Liêu có: Ông Phạm Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo Sở VH-TT-TT-DL; đại diện lãnh đạo Viettel Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu và chuyên viên phụ trách triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại các đơn vị cùng tham dự tập huấn.
Tại hội nghị, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các giải pháp công nghệ phục vụ chống dịch của Việt Nam được phát triển trên cơ sở phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, do Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia chủ trì công tác điều phối, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng phát triển. Trung tâm cũng đồng thời chịu trách nhiệm thiết kế, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các nền tảng, hệ thống công nghệ phòng, chống dịch COVID-19. Dự kiến, chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 Quốc gia sẽ diễn ra trên toàn bộ 63 tỉnh thành, với mạng lưới tiêm chủng trực tuyến hơn 15.000 điểm. Thông qua chiến dịch, Bộ Y tế kỳ vọng hết năm 2021 sẽ tiêm vaccine cho tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên, và hết quý I/2022 tiêm được hơn 70% dân số, dự kiến 150 triệu mũi tiêm, cao điểm khoảng 2 triệu mũi/ngày, thực hiện mục tiêu kép: Tiêm chủng và Hồ sơ sức khỏe.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Viettel Bạc Liêu.
Tham gia vào chiến dịch, Viettel được giao nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tiêm chủng, cụ thể: Xây dựng nền tảng công nghệ quản lý toàn bộ chiến dịch; triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, hệ thống chứng nhận tiêm chủng (hộ chiếu vaccine) và xây dựng tài liệu, phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn cho các tỉnh về chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và sử dụng nền tảng quản lý.
Chia sẻ về nền tảng quản lý tiêm chủng, đại diện Viettel cho biết, nền tảng sẽ gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.
Nền tảng đi vào vận hành sẽ giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Với ngành Y tế, nền tảng này đảm bảo mục tiêu kép vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu. Nền tảng này cũng giúp các cơ quan của Chính phủ nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm, hoạt động vận hành – tiếp vận (logistic)… để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.
Hệ thống quản lý tiêm chủng được vận hành sẽ được triển khai theo 5 bước, đảm bảo công tác từ khi đăng ký tiêm chủng đến khi theo dõi sau tiêm đều được quản lý hiệu quả. Theo đó, sau khi người dân thực hiện đăng ký thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, các Sở Y tế thực hiện duyệt, phân bổ đối tượng tiêm chủng COVID-19 đến các Trung tâm y tế quận/huyện. Các Trung tâm y tế thực hiện lập kế hoạch và cấp phát vắc xin về cơ sở tiêm chủng. Tại đây, các cơ sở tiêm chủng thực hiện tiêm chủng COVID-19 theo quy trình tiêm 4 bước của Bộ Y tế. Sau khi tiêm thành công, người dân có thể thực hiện tra cứu kết quả, chứng nhận tiêm chủng COVID-19 thông qua Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Toàn bộ các thông tin này sẽ được quản lý tập trung tại nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia. Hỗ trợ Ban chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia truy cập để theo dõi báo cáo kết quả tiêm chủng, điều hành toàn bộ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.
Với ngành Y tế, nền tảng quản lý tiêm chủng này đảm bảo mục tiêu kép vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu. Nền tảng đi vào vận hành sẽ giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19./.
Lâm Anh Khoa

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết