Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bạc Liêu: Hơn 8.000 đối tượng thuộc nhóm cán bộ phòng chống dịch được tiêm vắc xin phòng COVID-19, đợt 1 năm 2021.

Để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng đến mục tiêu 80% dân số được tiêm phòng vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, với nguồn cung ứng vắc xin hiện nay, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2022 như sau: Bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi có đủ nguồn vắc xin; 95% đối tượng nguy cơ được tiêm phòng; tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vắc xin cho các đối tượng theo tình hình dịch; đảm bảo tính an toàn, hợp lý và hiệu quả khi sử dụng vắc xin.
Ngày 07/4/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định 1821/QĐ-BYT về việc phân bổ vắc xin phòng COVID-19 đợt 2. Theo đó, Bộ Y tế phân bổ vắc xin phòng COVID-19 (Vaccine AstraZeneca) đợt 2 cho 63 tỉnh/thành phố. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu được phân bổ 7.500 liều vắc xin COVID-19 do AstraZeneca sản xuất, tỉnh đã triển khai tiêm được 7.320 liều. Từ ngày 22/4/2021 đến ngày 07/5/2021 tỉnh Bạc Liêu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 8.432 đối tượng ưu tiên thuộc nhóm 1 và 2 tại 11 điểm tiêm, cụ thể: Trung tâm KSBT Bạc Liêu 788 đối tượng; Bệnh viện ĐK Bạc Liêu 1.184 đối tượng; Bệnh viện Quân dân Y 927 đối tượng; BVĐK Thanh Vũ 484 đối tượng; TTYT thành phố Bạc Liêu 520 đối tượng; TTYT Vĩnh Lợi 648 đối tượng; TTYT Hòa Bình 689 đối tượng; TTYT Phước Long 754 đối tượng; TTYT Hồng Dân 648 đối tượng; TTYT Tx Giá Rai 1.047 đối tượng; TTYT Đông Hải 743 đối tượng. Trong đợt này có 396 trường hợp tạm hoãn tiêm vắc xin phòng COVID-19 do: bệnh 135 trường hợp; đang mang thai/cho con bú 177 trường hợp; tiêm vắc xin khác <14 ngày 14 trường hợp; tiền sử dị ứng 18 trường hợp;  đang điều trị Prednisolon 11 trường hợp;  u vùng thái dương, rối loạn đông máu 02 trường hợp; đang điều trị K giáp 06 trường hợp; tăng huyết áp 33 trường hợp.
 
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu.
Các điểm tiêm được bố trí theo quy tắc một chiều từ bàn đón tiếp, hướng dẫn đến khu vực chờ trước tiêm chủng, bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, bàn tiêm chủng; nhân lực phục vụ tại điểm tiêm được bố trí đầy đủ tại các khâu, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, thành lập đội cấp cứu xử trí phản vệ để sẵn sàng xử trí ngay kịp thời các trường hợp cấp cứu, phản ứng sau tiêm nếu có; sau khi tiêm, mọi người đều được theo dõi các phản ứng sau tiêm ít nhất 30 phút và được hướng dẫn cách tự theo dõi và xử trí các phản ứng thông thường sau tiêm, đồng thời được hướng dẫn nhận biết các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng để có biện pháp xử trí kịp thời, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Sau tiêm các đối tượng được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm. Các cơ sở y tế luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.
Ghi nhận có một số phản ứng sau tiêm: Đau/sưng tại chỗ tiêm 739 trường hợp; nôn/buồn nôn 69 trường hợp; tiêu chảy/đau bụng 46 trường hợp; sốt <39⁰C 567 trường hợp; sốt ≥39⁰C 68 trường hợp; đau họng/chảy nước mũi/ho 65 trường hợp; ớn lạnh 443 trường hợp; đau đầu 357 trường hợp; phát ban 11 trường hợp; các triệu chứng khác 216 trường hợp.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại TT KSBT tỉnh Bạc Liêu.
Công tác tiêm chủng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ UBND tỉnh, Sở Y tế và lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu. Tập thể cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng đã hăng hái tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho các đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch. Sau chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 lần 1 của tỉnh Bạc Liêu, chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin./.
 

Hữu Lộc – CDC Bạc Liêu


Tác giả: Hữu Lộc - TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết