Tin hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm y tế Hòa Bình tổ chức truyền thông phòng chống bệnh tay chân miệng ở Trường mẫu giáo.

Ngày 22/4/2025, Trung tâm y tế huyện Hòa Bình phối hợp với Trạm y tế xã Vĩnh Bình tổ chức buổi truyền thông phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) cho giáo viên, Trường mẫu giáo Măng Non xã Vĩnh Bình.

Ngày 22/4/2025, Trung tâm y tế huyện Hòa Bình phối hợp với Trạm y tế xã Vĩnh Bình tổ chức buổi truyền thông phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) cho giáo viên, Trường mẫu giáo Măng Non xã Vĩnh Bình. Dự buổi truyền thông có ông Văn Công Thanh, phụ trách TTGDSK, Trung tâm y tế; bà Phạm Thị Nguyền, Trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Bình; bà Lâm Bích Loan, Phó Trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Bình; bà Võ Hiếu Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Măng Non xã Vĩnh Bình; bà Nguyễn Thị Đẹp, Phó Hiệu trưởng, Trường Mẫu giáo Măng Non xã Vĩnh Bình; cùng giáo viên của Trường Mẫu giáo Măng Non xã Vĩnh Bình. Tổng số có 18 người tham dự.

Quang cảnh buổi truyền thông tại Trường Mẫu giáo Măng Non xã Vĩnh Bình.

Bệnh TCM là bệnh lây truyền cấp tính do nhóm vi rút đường ruột gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, có thể phát thành dịch trên diện rộng, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không can thiệp kịp thời, các biến chứng nặng như: Viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Bệnh TCM lây chủ yếu tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ mũi, miệng, nước bọt lúc ho, hắt hơi của trẻ mắc bệnh, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, dịch tiết các bóng nước ở tay, chân, hay qua dùng đồ chơi, dụng cụ học tập, dụng cụ ăn uống, vật dụng, sàn nhà,... Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như: nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch. Bệnh TCM hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, cách điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, khi mắc bệnh cần đi khám cơ sở y tế để biết tình trạng bệnh để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị, đa số mắc bệnh TCM là điều trị tại nhà, hạ sốt, bù đủ nước cho cơ thể, chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, theo hướng dẫn của bác sĩ, đối với trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ. Biểu hiện của bệnh đầu tiên là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi; sau đó xuất hiện các bóng nước ở lofng bàn tay, bàn chân, có thể ở mông và gối, các vết loét ở miệng, lưỡi, lợi, và bên trong má, … khi thấy những dấu hiệu nguy hiểm như: trẻ sốt từ 39 độ C trở lên liên tục 2 ngày, trẻ quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình chới với, đi đứng loạng choạng hoặc run giật, yếu tay chân, khó thở, thở nhanh hoặc thở không đều, nôn ói nhiều,…cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Quang cảnh buổi truyền thông tại Trường Mẫu giáo Măng Non xã Vĩnh Bình.

Phòng bệnh TCM thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; giáo viên, người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay, nhất là trước khi chế biến thức ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ; cho trẻ ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, các đồ chơi, dụng cụ học tập cần thường xuyên phải được khử trùng bằng Cloramin B, người bệnh phải được cách ly, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh TCM,…Trong thời gian tới Trung tâm y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các khoa khối điều trị, khối dự phòng và Trạm y tế xã, thị trấn tăng cường công tác phòng chống bệnh TCM, thực hiện công tác chăm sóc điều trị cho trẻ bị bệnh TCM trên địa bàn, tăng cường công tác giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc, xử lý ổ dịch nhỏ kịp thời, không để dịch lớn xảy ra./.

Công Thanh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết