Tin hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị sơ kết việc thực hiện tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế giai đoạn 2022-2024.

Chiều ngày 27/9/2024, tại Nhà khách số 01 Hùng Vương, Sở Y tế Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế giai đoạn 2022-2024.

Chiều ngày 27/9/2024, tại Nhà khách số 01 Hùng Vương, Sở Y tế Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế giai đoạn 2022-2024. Dự chỉ đạo hội nghị có: Ông Bùi Quốc Nam, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh; đại diện Lãnh đạo và Trưởng phòng Tài chính UBND huyện, thị xã, thành phố; đại diện Lãnh đạo, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, phòng Tổ chức - Hành chính và phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ các đơn vị trực thuộc ngành Y tế cùng dự hội nghị.
Việc thực hiện giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ thể hiện rõ mục tiêu đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, các đơn vị đã chủ động sử dụng nguồn tài chính được giao (bao gồm nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, nguồn thu phí được để lại theo quy định, nguồn thu hợp pháp khác). Bên cạnh đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy hợp lý, sử dụng, bố trí cán bộ viên chức đảm bảo phù hợp về trình độ chuyên môn đào tạo, năng lực gắn với yêu cầu của vị trí công tác, sử dụng biên chế phù hợp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm tiết kiệm kinh phí để tăng thu nhập cho người lao động và hoang thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, báo cáo việc thực hiện tự chủ tài chính các đơn vị tại hội nghị.
Báo cáo việc thực hiện tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế giai đoạn 2022-2024, Sở Y tế hiện có 14 đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trong đó 07 đơn vị cấp tỉnh (có 03 cơ sở khám chữa bệnh hạng 2) và 07 Trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện đa chức năng. Thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính, Sở Y tế đã tham mưu kịp thời trình UBND tỉnh giao quyền tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập tại Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 28/12/2023. Trên cơ sở được giao quyền tự chủ, các đơn vị đã chủ động hơn trong việc tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao, sử dụng lao động trên cơ sở biên chế được giao đảm bảo phù hợp với yêu cầu công việc, trình độ đào tạo, năng lực và chức danh chuyên môn; đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện đối với ngạch; chức danh. Đến nay, Đề án vị trí việc làm của các đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt, qua đó đã tinh gọn bộ máy nhằm tiết kiệm chi phí để tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động.
Ngày 29/8/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 16/QĐ-UBND về việc phân loại, giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 03 đơn vị: BVĐK Bạc Liêu, TTYT huyện Phước Long và TTYT thị xã Giá Rai tự đảm bảo chi thường xuyên giai đoạn 2019-2021 theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Quyết định 2141/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh về việc cho phép đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tiếp tục thực hiện phương án tự chủ tài chính đến hết năm 2022. Thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, đến nay có 13/14 (đạt 92,8%) đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh về việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế giai đoạn 2023-2025, còn 01 đơn vị đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền giao quyền tự chủ dự kiến trong giai đoạn 2024-2026. Qua quá trình thực hiện, năm 2022: Đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (nhóm 2) có 03 đơn vị; Đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động (nhóm 3) có 06 đơn vị; Đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (nhóm 4) là 03 đơn vị. Giai đoạn 2023-2025: Nhóm 2 có 05 đơn vị; nhóm 3 có 05 đơn vị; nhóm 4 là 03 đơn vị.
Ông Mã Quốc Thiện, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu báo cáo tham luận tại hội nghị.
Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã đạt được một số kết quả đáng kể nhưng vẫn còn chậm, đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước chưa chuyển sang chức năng cung cấp đặt hàng giao nhiệm vụ. Trong giai đoạn chuyển sang cơ chế tự chủ đối với đơn vị nhóm 4 cơ bản ổn định; còn đối với các đơn vị nhóm 3, nhóm 2 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chuyển sang cơ chế tự chủ gặp không ít khó khăn, nhất là tại một số trung tâm y tế tuyến huyện: thu khám chữa bệnh thấp, số vượt dự toán BHYT chưa chấp nhận thanh toán kéo dài, nguồn thu dịch vụ thấp, một vài đơn vị thu không đủ chi…dẫn đến mất cân đối tài chính đến thời điểm hiện tại chưa tháo gỡ được.
Chi đầu tư cho các đơn vị tự chủ chưa được đảm bảo. Sau đại dịch Covid-19, các cơ sở khám chữa bệnh xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các đơn vị được trưng dụng thành lập Bệnh viện điều trị Covid-19, đến nay có 04 TTYT tuyến huyện vẫn còn đang phải sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn phục hồi phát triển sau đại dịch; Thiếu trang thiết bị y tế: các đơn vị khi bước vào tự chủ tài chính nhưng chưa được đầu tư trang thiết bị y tế để phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh, kể cả 03 đơn vị được giao tự chủ giai đoạn 2019-2021, hầu hết các trang thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng không đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh; Giá thu dịch vụ khám chữa bệnh (BHYT và không BHYT) nhiều năm không thay đổi, cơ cấu giá chưa được tính đúng, tính đủ (chi phí quản lý, khấu hao tài sản), giá còn khá thấp so với mặt bằng chung, việc cho áp dụng giá dịch vụ khám chữa bệnh mới thường chậm so với Thông tư của Bộ Y tế ban hành về giá; Về tổ chức bộ máy: các TTYT tuyến huyện được UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế thấp hơn so với yêu cầu số lượng người làm việc thực tế và so với Thông tư số 03/2023/TT-BYT, ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy các đơn vị phải tự chi trả kinh phí cho số nhân lực hợp đồng ngoài biên chế được giao.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính tham gia thảo luận tại hội nghị.
Kinh phí khám chữa bệnh vượt tổng mức thanh toán BHYT của tỉnh (phần lớn là các TTYT tuyến huyện) trong các năm 2019, 2020, 2022 là rất lớn nhưng chậm được xem xét chấp nhận, chuyển kinh phí thanh toán: Với tổng số vượt 115,170 tỷ (năm 2019 là 64,850 tỷ, năm 2020 là 43,587 tỷ, năm 2022 là 6,732 tỷ), được thanh toán đợt 1 (năm 2023) là 08 tỷ, đến năm 2024 mới được chấp nhận và BHXH chuyển thanh toán đợt 2 là 80% (tương đương 85,5 tỷ), hiện còn 20% (tương đương 21,5 tỷ) chưa chuyển thanh toán. Riêng số vượt dự toán năm 2023 còn 24 tỷ hiện BHXH Việt Nam vẫn còn đang xem xét chưa ý kiến. Việc xem xét, chấp nhận, chuyển kinh phí thanh toán với số tiền rất lớn chậm như trên đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thường xuyên của các cơ sở khám chữa bệnh. Một số khó khăn khác về kinh phí: Việc thu hồi dự toán chi lương đã được kết cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh năm 2019: trong năm 2020, UBND tỉnh ra Quyết định số 442/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 điều chỉnh dự toán nội dung chi của nguồn sự nghiệp y tế , dân số và gia đình, trong đó phải giảm trừ dự toán chi lương đã kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh năm 2019 là 18,800 tỷ, các đơn vị phải tạm mượn nguồn kinh phí ngân sách tỉnh để chi trả lương nhân viên, đến nay vẫn chưa có nguồn để thực hiện hoàn trả lại ngân sách; Việc hỗ trợ thu không đủ chi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg ngày 08/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập thu không đủ chi do tác động dịch Covid-19, với nhu cầu cần hỗ trợ là 36,947 tỷ nhưng chỉ được xem xét, giải quyết tạm cấp một lần là 15,143 tỷ, số còn lại 21,928 tỷ không được giải quyết do nhiều nguyên nhân khách quan, vì vậy đã tạm mượn nguồn ngân sách để chi nhưng chưa cân đối được nguồn kinh phí để hoàn trả với số tiền 27,530 tỷ; Thực hiện nhu cầu tăng lương theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ về quy định mức lương cơ sở từ 1,490 triệu lên 1,800 triệu, các TTYT gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện chính sách tiền lương cho khối điều trị, thực hiện chi lương theo quy định chưa phù hợp số tiền gần 7,343 tỷ; Thực hiện Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đổi từ 1,800 triệu lên 2,340 triệu, các TTYT gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện chính sách tiền lương cho khối điều trị; Các khoản nợ động đối với các nhà cung cấp thuốc, vật tư y tế nhiều năm nhưng chưa cân đối được nguồn chi trả kéo dài do nguồn thu thấp với số tiền hơn 32,656 tỷ.
Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tổng kết hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế ghi nhận và chia sẻ với các đơn vị về những khó khăn đang tồn đọng. Hội nghị sơ kết lần này không chỉ là cơ hội để nhìn lại những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính mà còn là dịp để các đơn vị y tế công lập tỉnh Bạc Liêu rút ra bài học, tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn, và tiếp tục hành trình đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Tự chủ tài chính không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để các đơn vị y tế phát triển bền vững, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời tăng cường trách nhiệm của từng cán bộ, viên chức trong công tác y tế. Trong giai đoạn tới, với sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng, ngành Y tế Bạc Liêu hứa hẹn sẽ tiếp tục vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao./.
Lâm Anh Khoa
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết