Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều cần biết về vắc xin phòng COVID-19.

Hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành cho 06 loại vắc xin tại Việt Nam: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell, Janssen và Sputnik V. Vắc xin là sinh phẩm đặc biệt giúp tạo miễn dịch phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, biện pháp bảo vệ quan trọng là vắc xin và khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; tuy nhiên, vắc xin muốn phát huy tác dụng phải được tiêm đủ 2 mũi, đúng thời gian và đạt trên 80% cộng đồng dân cư. Thực tế một số người có tâm lý lựa chọn và chờ đợi vắc xin mình mong muốn gây nên chậm trễ trong việc đạt miễn dịch cộng đồng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nên chủng ngừa càng sớm càng tốt với bất kỳ loại vắc xin nào có sẵn tại địa phương, càng sớm tạo miễn dịch cộng đồng, càng bảo đảm an toàn khi bạn sống chung với dịch COVID-19.

Lịch tiêm các loại vắc xin COVID-19 đang được phép sử dụng tại Việt Nam:

Tiêm mũi 1 sớm nhất ngay khi có thể; mũi 2 cách mũi 1 khoảng thời gian tùy loại vắc xin, lịch tiêm được nêu cụ thể tại Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định 3588/QĐ-BYT như sau:

- Astrazeneca: cách nhau 8 - 12 tuần (khuyến cáo dưới 4 tháng)

- Pfizer: cách nhau 3 tuần (khuyến cáo dưới 6 tuần)

- Moderna: cách nhau 4 tuần (khuyến cáo dưới 6 tuần)

- Vero Cell: cách nhau 3 - 4 tuần

- Janssen: tiêm duy nhất 1 mũi

- Sputnik V: cách nhau 3 tuần

Nếu tiêm vắc xin mũi 2 sớm hơn hoặc muộn hơn lịch có sao không? Theo các chuyên gia y tế, việc duy trì khoảng cách giữa 2 lần tiêm theo khuyến cáo của nhà sản xuất là hợp lý nhất, nhằm giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích hoạt, tiếp nhận mũi vắc xin tiếp theo hiệu quả, tạo kháng thể ở mức nhanh nhất, cao nhất và nồng độ kháng thể đạt đỉnh sớm nhất. Nếu tiêm mũi 2 trong thời gian quá gần với mũi 1 thì không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe nhưng lại coi như làm mũi 2 bị “ lãng phí”, không có tác dụng như mong muốn. Ngược lại, nếu khoảng cách giữa hai lần tiêm quá dài, hiệu quả của mũi 1 cũng không bị ảnh hưởng gì và người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vắc xin.

Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, vì bạn không được bảo vệ đầy đủ ngay sau khi tiêm vắc xin và nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, bạn cũng phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nghiêm túc theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để bảo vệ mình và mọi người xung quanh.

Chăm sóc sau khi tiêm vắc xin COVID-19:

Ngay sau khi đi tiêm về, bản thân người được tiêm vắc xin ngoài việc chú ý các dấu hiệu phản ứng sau tiêm, còn phải đặc biệt quan tâm, tránh những điều sau:

- Không bôi đắp bất kỳ thuốc gì lên vết tiêm

- Sốt mất nước nên bù nước, nên uống nhiêu nước lọc, nên ăn thức ăn mềm dễ tiêu, không ăn thức ăn lạ, không uống rượu bia

- Dùng thuốc hạ sốt an toàn (Paracetamol), mặc thoáng, lau mát với nước ấm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng.

- Theo dõi nghiêm ngặt trong 30 phút đầu sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng

- 48 giờ sau tiêm: không làm nặng, không tập gym, ko làm việc trên cao, không làm những việc phải tập trung cao độ, ko nằm phòng máy lạnh, hạn chế quạt gió, mở cửa phòng thông thoáng và luôn luôn có người thân ở bên cạnh.

- Nên ăn uống đủ và cân đối dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch: Bổ sung các Vitamin A, C, D, E, Kẽm, các loại protein tự nhiên, trái cây tươi, các loại đậu.

- Lưu vị trí dễ tìm số điện thoại bác sĩ và cơ sở y tế khi cần hỗ trợ chăm sóc y tế.

Tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 thường gặp:

Theo VNVC và theo số liệu tổng kết Bộ Y tế, hầu hết tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 là những triệu chứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm và các triệu chứng giống bị cúm như: đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, sốt, chóng mặt, đau cơ, nhịp tim nhanh… Các triệu chứng này xảy ra sớm sau khi tiêm vắc xin, tự khỏi và không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không để lại di chứng. Phản ứng sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch tốt đối với vắc xin chứa vi rút SARS-CoV-2.

Dấu hiệu nặng cần nhận biết sớm sau tiêm vắc xin:

Phản ứng phản vệ là trường hợp cực kỳ hiếm gặp, bất kỳ ai bị phản ứng phản vệ đều cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Những người bị sốc phản vệ sau lần tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên được khuyến cáo không nên tiêm mũi thứ hai. Các phản ứng sau tiêm cần được chăm sóc y tế khẩn cấp:

- Sốt cao (trên 39 độ C), sưng đỏ lan rộng, phát ban ngứa, căng cứng cơ, chóng mặt

- Tăng huyết áp, tụt huyết áp, huyết áp kẹp, mạch nhanh/chậm yếu

- Tê quanh môi lưỡi

- Co giật: Co giật có thể kèm sốt hoặc không

- Áp xe: Có thể là áp xe vô khuẩn hoặc áp xe nhiễm khuẩn, rò dịch

- Nhiễm khuẩn huyết: Biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất là sốc nhiễm trùng

- Phản ứng quá mẫn cấp tính: Trong trường hợp phản ứng nặng nên xử trí như trường hợp phản ứng phản vệ.

- Phản ứng phản vệ: do nhiều nguyên nhân gây ra, thường có triệu chứng như vật vã, mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay, mạch khó bắt, huyết áp tụt, đau bụng, khó thở, co giật…

- Huyết khối: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, hoặc mờ hoặc nhìn đôi, khó thở hoặc đau ngực, đau bụng hoặc đau bụng dữ dội, đau, phù chi dưới, có thể biểu hiện chảy máu, xuất huyết da, hoặc xuất huyết nội tạng./.

Bác sĩ Phước Nhường

 


Tác giả: Bác sĩ Phước Nhường - TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết