Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Ngày 28/11/2024, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm với điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì hội nghị.
Ngày 28/11/2024, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm với điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có: Ông Phạm Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế; ông Tô Minh Cảnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TT KSBT); cùng các đại biểu: Đại diện lãnh dạo và các khoa, phòng liên quan TT KSBT, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; đại diện Phòng Y tế; lãnh đạo, cán bộ y tế tại các Trạm y tế trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, Hòa Bình, Vĩnh Lợi.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu.
Hội nghị báo cáo chung về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam: Bệnh lưu hành, bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi và bệnh lây từ động vật sang người; các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai trong thời gian qua; các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới; tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi; phổ biến các quy định, hướng dẫn mới trong lĩnh vực Y tế dự phòng có liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Các địa phương báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và kết quả triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi.
Trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh có vắc xin phòng bệnh từ lâu (sởi, ho gà...) có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. WHO đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. WHO cũng đã thông báo đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế công cộng. Tác động của đại dịch covid-19 trong những năm trước đó đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn thế giới, không đạt được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế tình hình bệnh truyền nhiễm trong nước cơ bản vẫn được kiểm soát: Số mắc, tử vong do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm trước. Bệnh dại và các bệnh dự phòng bằng vắc xin (sởi, ho gà... ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Bệnh sởi, ho gà, tay chân miệng, sốt xuất huyết tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, ổ dịch và có tăng cục bộ ở một số địa phương.
Theo báo cáo tại hội nghị, một số bệnh lưu hành trên cả nước như: bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 125.941 trường hợp mắc, 20 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2023 (157.120 trường hợp, tử vong 42 ca), giảm 19,8%, tử vong giảm 22 ca; bệnh tay chân miệng ghi nhận 72.453 trường hợp, 00 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2023 (164.451 trường hợp, 31 ca tử vong) số mắc giảm 55,9%, tử vong giảm 31 trường hợp. Bệnh cúm mùa ghi nhận 264.830 trường hợp mắc, 08 ca tử vong, so với cùng kỳ 2023 (292.719 trường hợp mắc, 01 ca tử vong) số mắc giảm 9,5%, tử vong tăng 07 ca. Bệnh sốt rét ghi nhận 333 trường hợp mắc, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (425). Bệnh sởi ghi nhận 20.469 trường hợp nghi sởi, trong đó 4.918 trường hợp dương tính và 05 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, so với cùng kỳ năm 2023 (387) số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, sởi dương tính (44) cao hơn 111 lần. Bệnh ho gà ghi nhận 1.053 trường hợp, tử vong 01 ca, so với cùng kỳ năm 2023 (44 trường hợp mắc, 01 ca tử vong) số mắc cao hơn 23 lần; bệnh bạch hầu ghi nhận 11 trường hợp mắc, tử vong 02 ca, so với cùng kỳ năm 2023 (56 trường hợp mắc, 07 ca tử vong) số mắc giảm 45 trường hợp, tử vong giảm 05 ca; liệt mềm cấp ghi nhận 01 trường hợp.
Bệnh nguy hiểm, mới nổi và bệnh lây từ động vật sang người: bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận 74 trường hợp mắc rải rác tại các địa phương; bệnh dại ghi nhận 79 trường hợp tử vong tại 32 tỉnh, thành phố, so với cùng kỳ năm 2023 (76 ca tử vong) giảm 03 trường hợp; bệnh cúm gia cầm độc lực cao, ghi nhận 02 trường hợp mắc cúm A(H5N1) và 01 trường hợp mắc cúm A(H9N2); bệnh than ghi nhận 12 trường hợp, so với cùng kỳ năm 2023 (16 trường hợp) giảm 04 trường hợp.
Theo Bộ Y tế, dịch bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến khó lường và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biển thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều và trong bối cảnh toàn cầu hóa nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao cùng với diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, nên nguy cơ đối mặt với sự lây truyền của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn. Thời gian tới với khí hậu mùa đông xuân, thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các Ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng.
Trong thời gian tới, các địa phương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động công tác giám sát trường hợp bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch. Chủ động phân tích tình hình, đánh giá nguy cơ và chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống dịch bệnh. Thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét; duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng,… tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng vắc-xin, tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
Tại tỉnh Bạc Liêu từ đầu năm đến nay, về các bệnh truyền nhiễm chưa có vắc xin dự phòng trong chương trình TCMR: Tay chân miệng ghi nhận 1.325 ca mắc, giảm 841 ca so với cùng kỳ năm 2023 (2166 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong; sốt xuất huyết ghi nhận 301 ca mắc, giảm 301 ca so với cùng kỳ năm 2023 (602 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong; các bệnh truyền nhiễm mới nổi như: Đậu mùa khỉ, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)… chưa ghi nhận trường hợp nào trên địa bàn tỉnh. Về các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng trong chương trình TCMR: ghi nhận 765 ca mắc Sởi, tăng 749 ca so với cùng kỳ năm 2023 (16 ca) không ghi nhận trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay không ghi nhận trường hợp nào đối với các bệnh như: Bạch hầu, Bại liệt, Cúm A(H5N1), Cúm A(H7N9), Ho gà, Xoắn khuẩn vàng da, Zika.../.
Hữu Lộc