Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

10 dấu hiệu chú ý nhận biết sau tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cần liên hệ y tế khẩn.

Hiện nay, có nhiều loại vắc xin COVID-19 đang được sử dụng tiêm ngừa, một số người có tâm lý lựa chọn và chờ đợi vắc xin mình mong muốn. Qua nghiên cứu dịch tễ và cơ chế sinh miễn dịch của các loại vắc xin được WHO cho phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, chuyên gia y tế khuyến cáo: người dân nên tiêm ngừa càng sớm càng tốt với bất kỳ loại vắc xin nào có sẵn tại địa phương, vắc xin tốt nhất là vắc xin được Bộ Y tế cho phép sử dụng và được tiêm sớm nhất, tiêm ngừa sớm tạo miễn dịch cộng đồng, đạt tỷ lệ tiêm chủng càng cao, càng bảo đảm an toàn cho người dân sống chung với dịch COVID-19. Lợi ích của việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là giảm thiểu tỷ lệ mắc, giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 ở những người đã tiêm ngừa vắc xin. Điều mà các chuyên gia y tế quan tâm là tỷ lệ chuyển biến nặng ở những người nhiễm COVID-19 sẽ giảm và giảm nguy cơ tử vong. Một khi tạo miễn dịch cộng đồng, dịch COVID-19 sẽ chuyển sang trạng thái giống như các bệnh cúm mùa thông thường, không gây nên dịch lớn, không gây tử vong nhiều người. Tuy nhiên, vắc xin là một sinh phẩm y tế, khi tiêm vào cơ thể có ít nhiều rủi ro, nhưng ở tỷ lệ rất thấp và chấp nhận được. Ngành Y tế luôn đảm bảo an toàn cao nhất về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ cấp cứu phục vụ công tác tiêm ngừa vắc xin COVID-19, cán bộ tiêm ngừa được tập huấn, Bác sĩ có kinh nghiệm trong xử trí cấp cứu. Khi đến tiêm ngừa, người dân cũng cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

10 dấu hiệu chú ý nhận biết sau tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cần liên hệ y tế khẩn:

1. Sốt cao liên tục trên 390C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

2. Tê quanh môi, lưỡi.

3. Họng ngứa, căng cứng, nghẹn họng, khó nhai, khó nuốt, khó nói.

4. Mệt bất thường, chóng mặt, xây xẩm, choáng, té ngã.

5. Đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực, ngất.

6. Thở khó, thở rít, khò khè, tím tái.

7. Nôn ói, đau quặng bụng hoặc tiêu chảy.

8. Da phát ban, nổi mẫn đỏ, ngứa, chảy máu niêm mạc, xuất huyết dưới da.

9. Đau dữ dội một hay nhiều nơi mà không do va chạm, khối máu bầm bất thường dưới da mà không do va chạm.

10. Biểu hiện thần kinh: đau đầu kéo dài, dữ dội; nặng hơn có thể ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

Người đi tiêm ngừa nên chuẩn bị 5 điều sau:

1. Căn cước công dân/CMND, thẻ BHYT, phiếu tiêm các vắc xin gần đây, sổ khám bệnh, đơn thuốc sử dụng trong thời gian gần đây, mang khẩu trang y tế, thực hiện nghiêm 5K.

2. Ăn uống đầy đủ: Tránh mệt xỉu do hạ đường huyết không đáng có.

3. Khai báo y tế, tải sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin cần thiết.

4. Thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như:

- Tình trạng sức khỏe hiện tại, các bệnh mạn tính, các thuốc đang sử dụng trong thời gian gần đây;

- Cho cán bộ y tế biết tiền sử dị ứng, tiền sử phản vệ của bản thân;

- Nếu là lần tiêm thứ 2 thì thông báo cho bác sĩ những phản ứng gặp phải trong lần tiêm trước đó;

- Tình trạng nhiễm vi rút và mắc COVID-19 (nếu có); các loại vắc xin được tiêm và thuốc uống trong 14 ngày qua;

- Tình trạng đang mang thai hoặc cho con bú.

5. Biết các cơ sở y tế và số điện thoại cần liên hệ trong điều kiện cần trợ giúp; nắm vững 10 dấu hiệu chú ý nhận biết sau tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cần liên hệ y tế khẩn.

Sau khi tiêm ngừa, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, vì bạn không được bảo vệ đầy đủ ngay sau khi tiêm vắc xin, và bạn còn phải có trách nhiễm bảo vệ cho mọi người xung quanh và cộng đồng./.

Bác sĩ Phước Nhường


Tác giả: Bác sĩ Phước Nhường - TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết