Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người đã tiêm vắc xin COVID-19, khi xét nghiệm dịch mũi họng có bị dương tính do vắc xin hay không?

Việc nhanh chóng xác định ca bệnh dương tính COVID-19 và cách ly người bị nhiễm bệnh mang tính quyết định thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chẩn đoán ca nhiễm được COVID-19 dựa trên các triệu chứng lâm sàng, hình ảnh học và xét nghiệm. Tuy nhiên, các triệu chứng và hình ảnh học của bệnh COVID-19 là không đặc hiệu, không rõ ràng và thường muộn về sau nên chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 phải được thực hiện bằng phản ứng chuỗi polymerase dựa trên axit nucleic (polymerase chain reaction – PCR), khuếch đại một đoạn gen di truyền cụ thể ở vi rút (RT), gọi là xét nghiệm xác định ca nhiễm RT-PCR.
Mẫu bệnh phẩm ca nhiễm COVID-19:
Chủ yếu là lấy mẫu phết mũi họng, ngoài ra cũng có thể lấy các mẫu bệnh phẩm từ đàm, dịch hút nội khí quản hoặc dịch rửa phế quản. Các mẫu ở đường hô hấp dưới nhạy hơn so với mẫu phết mũi họng (nhất là ở những bệnh nhân bị bệnh nặng, thường có nhiều vi rút ở đường hô hấp dưới hơn ở đường hô hấp trên). Tuy nhiên, nguy cơ cao “tạo khí dung” khi lấy các mẫu bệnh phẩm này và như vậy dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế lấy mẫu (phải mặc đồ bảo hộ đúng quy định của ngành y tế).
SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong các mẫu mô và dịch cơ thể khác nhau. Trong một nghiên cứu trên 1070 mẫu được thu thập từ 205 bệnh nhân mắc COVID-19, mẫu thu được từ dịch rửa phế quản có tỷ lệ dương tính cao nhất (14/15 =  93%), tiếp theo là mẫu đàm (72/104 = 72%), mẫu phết mũi (5/8 = 63%), mẫu sinh thiết từ ống nội soi phế quản (6/13 = 46%), phết họng (126/398 = 32%), phân (44/153 = 29%) và máu (3/307 = 1%). Không có mẫu nào trong số 72 mẫu nước tiểu được xét nghiệm cho kết quả dương tính, cũng không tìm thấy trong dịch âm đạo của 10 bệnh nhân nữ mắc COVID-19 ( theo Saito 2020).
Các xét nghiệm phát hiện COVID-19 đang thực hiện tại Việt Nam:
1. Test nhanh: tìm kháng nguyên virus SARS-CoV-2 trong dịch mũi họng; độ nhạy cao nhưng độ chính xác thấp. Để khẳng định, phải làm xét nghiệm RT-PCR (như nói ở trên).
2. Xét nghiệm khẳng định RT-PCR: tìm kháng nguyên virus SARS-CoV-2 trong dịch mũi họng; là xét nghiệm khẳng định ca nhiễm vì có độ chính xác cao.
3. Xét nghiệm mẫu máu tìm kháng thể kháng virus SARS-CoV-2: để nghiên cứu, đánh giá khả năng tạo miễn dịch chống lại bệnh sau thời gian nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh hoặc sau tiêm ngừa vắc xin COVID-19 trên 14 ngày.
Test nhanh hay xét nghiệm khẳng định RT-PCR tìm kháng nguyên đều là 2 phương pháp tìm dấu vết của chính con virus SARS-CoV-2 trong dịch phết mũi, họng. Nếu bạn có tiêm ngừa rồi hay chưa tiêm và hiện tại không mắc COVID-19 thì sẽ cho kết quả âm tính (do trong dịch mũi, họng không có vi rút). Do đó, nếu bạn đã tiêm ngừa rồi, thì cũng không làm sai lệch kết quả xét nghiệm COVID-19; nghĩa là, không có chuyện dương tính do đã tiêm ngừa vắc xin (không có chuyện dương tính do vắc xin).
Chỉ có dạng test nhanh kháng thể dựa trên mẫu máu là sẽ cho kết quả dương tính với 2 đối tượng: người đã từng mắc COVID-19 (có thể đã khỏi bệnh) hoặc người từng tiêm ngừa và đã đủ thời gian để cơ thể sinh ra kháng thể trong máu. Nhưng loại test này không dùng để xét nghiệm sàng lọc ở nước ta mà chỉ dùng trong nghiên cứu để đánh giá hiệu quả vắc-xin cũng như khả năng miễn dịch tự nhiên ở người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh.
Các bạn nên nhớ, vắc xin nào cũng không giúp bảo vệ 100% (có một tỷ lệ nhỏ tùy cơ địa và cộng đồng, sau tiêm ngừa đủ thời gian và đủ mũi tiêm vẫn không tạo được miễn dịch), tiêm xong vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh (nguy cơ ít hơn so với chưa tiêm, và nếu có mắc bệnh cũng nhẹ hơn rất nhiều). Vì vậy, người tiêm rồi mà kết quả test nhanh kháng nguyên hay RT-PCR dương tính thì có nghĩa là người đó mới mắc bệnh do lây nhiễm cộng đồng.
Về cơ chế miễn dịch: Thường sau khi tiêm ngừa COVID-19 trên 14 ngày, cơ thể sẽ bắt đầu sinh kháng thể và tiêm đủ mũi theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin thì nồng độ kháng thể tăng dần và đạt ngưỡng cao nhất để bảo vệ; nhưng dù có như vậy cũng không ảnh hưởng đến kết quả của cả 2 loại xét nghiệm Covid-19 đang sử dụng là RT-PCR và test nhanh kháng nguyên./.
Bác sĩ Phước Nhường

Tác giả: Bác sĩ Phước Nhường - TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết