Tin hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao ban trực tuyến Sơ kết hoạt động phòng chống lao 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2021.

Sáng ngày 22/9/2021, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống Lao Quốc gia tổ chức giao ban trực tuyến Sơ kết hoạt động phòng chống lao 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2021 tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu. Thành phần tham dự gồm: các Ban, ngành Trung ương; Tổ chức chính trị xã hội; Hiệp hội; các Bộ, ngành; Bộ Y tế; Chương trình Chống Lao Quốc gia; Bệnh viện Phổi Trung ương và các đối tác quốc tế, trong nước.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG - WHO Report 2020 – Global Tuberculosis Control), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. TCYTTG ước tính năm 2019 trên toàn cầu có khoảng 10 triệu người mắc lao; 8,2% trong số mắc lao có đồng nhiễm HIV. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,2 triệu người tử vong do lao, trong đó có khoảng 208.000 người chết do lao trong số những người nhiễm HIV. Năm 2019 trên toàn cầu ước tính tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc là 3,3% trong số bệnh nhân mới và là 17,7% trong số bệnh nhân điều trị lại.

Giao ban trực tuyến Sơ kết hoạt động phòng chống lao 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2021.

WHO đã công bố kết quả của mô hình đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch COVID-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. Kết quả cho thấy rằng tử vong do lao sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất. Nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân trên toàn cầu giảm 25%-50% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm ước tính khoảng 200.000 – 400.000 ca tử vong do lao được dự báo. Mô hình cũng dự báo số người mắc lao có thể tăng thêm 1 triệu ca mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2025.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2019). Kể từ khi được công bố là”Đại dịch toàn cầu”bởi WHO vào cuối tháng 1/2020, virus corona COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, tâm lý người dân và các dịch vụ, ngành y tế cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng không mong muốn này. Y tế có thể nói là một ngành chịu tác động hai chiều, nhưng chắc chắn là tác động tiêu cực xảy ra nhiều hơn, do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài.

Giao ban trực tuyến Sơ kết hoạt động phòng chống lao 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2021

Hiện nay 48 trên 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. CTCL tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với các đối tác như: Bộ Công an, Cục phòng chống HIV/AIDS, WHO, … các Bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác; đồng thời tham mưu BYT về cơ cấu tổ chức, hoạt động của 15 tỉnh không có bệnh viện chuyên khoa để đảm bảo nhân lực triển khai công tác chống lao.

Năm 2021 cũng là năm ghi nhận sự tham gia của một số đối tác mới vào CTCL, như HPA, Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Sức khoẻ, Hội Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh, v.v. Các điều kiện để triển khai rất thuận lợi, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề lên rất nhiều tỉnh và thành phố trong cả nước, một số Bệnh viện lao và bệnh phổi tuyến tỉnh được Sở Y tế giao nhiệm vụ chính là cơ sở cách ly và điều trị COVID-19, một số khác phải thực hiện song song hai nhiệm vụ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 và tăng cường phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân lao. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng dẫn đến nhiều tỉnh và thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15/CT-TTg, 16/CTTTg và 17/CT-UBND; kết quả đã làm đình trệ nhiều can thiệp phòng chống lao tại nhiều tỉnh/thành phố và việc thực hiện các chỉ số phát hiện, thu nhận điều trị bệnh lao, lao tiềm ẩn, lao kháng đa thuốc chưa đạt được kết quả như mong đợi./.

Chanh Ty

 


Tác giả: Chanh Ty - TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết